Tiếp tục thực hiện nghiêm “cách ly xã hội” nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm
(BDO)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo, phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sáng 3/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.
Cách ly xã hội (giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp) là biện pháp quan trọng
Cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết đến sáng 3/4, thế giới đã vượt mốc hơn 1 triệu người mắc COVID-19 ở 205 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã bước sang ngày thứ ba thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Người dân cả nước đồng lòng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc. Nếu thực hiện đúng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Theo các thành viên Ban Chỉ đạo, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1-15/4), đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt “cách ly xã hội” sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Cách ly xã hội ( hay nói cách khác là giãn cách xã hội - giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp) không phải là ngăn cấm giao thông, "ngăn sông cấm chợ," chưa phải phong tỏa xã hội; vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn - nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ.
Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, các bộ, ngành liên quan sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Liên quan đến việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội," Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đây là biện pháp rất quan trọng.
Một số nước sử dụng biện pháp này khi số ca trong ngày mắc từ 50 ca trở nên nhưng Việt Nam sử dụng khi các ca mắc mới chỉ dưới 20 ca/ngày, như vậy là rất kịp thời, đúng thời điểm nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Phố Huỳnh Thúc Kháng lúc 7h tối ngày 2/4. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Cách ly xã hội bản chất là giãn cách xã hội, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp để phòng, chống dịch. Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cương quyết biện pháp này để người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội; duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bộ Y tế sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn về việc “cách ly xã hội," trong đó, quan trọng nhất là các biện pháp thực hiện.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng
Các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được các cấp, ngành vào cuộc đồng bộ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo rất quyết liệt, nghiêm túc... Vì vậy, đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt.
Công tác tuyên truyền cũng được các cơ quan Thông tấn, báo chí đẩy mạnh thực hiện theo nguồn thông tin chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, không gây ra bất cứ sự hoảng loạn nào đối với công chúng.
Đại diện Thông tấn xã Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang, khẳng định từ khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đơn vị cũng như các cơ quan báo chí khác đã phản ánh kịp thời việc thực hiện nghiêm Chỉ thị; giải thích từ ngữ, những điểm hiểu chưa đúng về nội dung Chỉ thị bằng các loại hình thông tin sinh động về ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có chuyên gia y tế...
Từ đó góp phần giúp người dân hiểu, chia sẻ. Đồng thời, Thông tấn xã Việt Nam cũng kịp thời thông tin về các gương người tốt việc tốt, có sức lan tỏa, qua đó cùng với thông tin của ngành y tế, hoạt động của các lực lượng phòng, chống dịch, vai trò của người dân được thể hiện rõ hơn. Đây cũng là một trong những điểm sáng về mặt thông tin.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; trốn cách ly tế, công bố công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để lên án các hành vi sai trái, làm gương cho xã hội.
Kiểm soát tốt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở
Thông tin về công tác kiểm soát biên giới, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng nêu rõ sau khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, bộ đội biên phòng đã tạm dừng hoạt động các cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ trên các tuyến biên giới; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở từ 0 giờ ngày 1/4/2020 với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ biên phòng.
Qua thống kê của bộ đội biên phòng, trung bình trong tuần qua, lượng người xuất nhập cảnh giảm rõ rệt so với từ ngày 1/4. Trước đây, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người nhập cảnh, sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, những ngày gần đây, số lượng công dân Việt Nam về nước từ các tuyến đường bộ đã giảm rõ rệt (dưới 1.000 người/ ngày). Tất cả các trường hợp nhập cảnh được tổ chức tiếp nhận, cách ly theo đúng quy định.
Lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, y, bác sỹ tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Phạm Hùng/TTXVN phát)
Tuy gặp nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, song lực lượng quân đội đã rất nỗ lực để bảo đảm hậu cần lâu dài cho cán bộ, chiến sỹ trên các chốt ứng trực dọc biên giới.
Quan tâm phòng, chống dịch ở các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội
Thông tin về tình hình kiểm soát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện toàn bộ các y bác sỹ, bệnh nhân và những người liên quan có khả năng nhiễm bệnh đều đã được kiểm soát, tổ chức cách ly, xét nghiệm… Về cơ bản, hiện tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã triển khai test nhanh từ ngày 31/3/2020 tại sáu quận, huyện, gồm Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Thanh Trì, Hoàng Mai. Tổng số mẫu đã xét nghiệm là 2.518, có 17 mẫu nghi ngờ đã được tiến hành xét nghiệm bằng RT-PCR, trong đó tám mẫu có kết quả âm tính, chín mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến nghị các địa phương bố trí địa điểm để các y bác sỹ, nhân viên y tế sau khi làm nhiệm vụ có thể nghỉ ngơi. Đối với các trường hợp vào khám bệnh tại các cơ sở y tế có triệu chứng với COVID-19 cần tổ chức test nhanh để kịp thời sàng lọc, phân loại,…
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, hoàn thiện hệ thống tư vấn y tế trực tuyến cho các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống tư vấn, khám bệnh trực tuyến thống nhất trên cả nước. Bộ cũng đã trao đổi, hợp tác, tham khảo kinh nghiệm điều trị với một số nước; tiến hành chuẩn bị trang biết bị y tế, đồ bảo hộ… để hỗ trợ một số quốc gia láng giềng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo lưu ý Bộ Y tế cần sớm ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão./.
Theo TTXVN