Tiếp tục tạo chuyển biến trong chuyển đổi số ở cơ sở
(BDO) Nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện chuyển đổi số (CĐS) hiệu quả, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông vừa có chuyến khảo sát tại huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên. Qua đó, đoàn đã chỉ ra những hạn chế và gợi ý các giải pháp hữu ích.
Đoàn công tác Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát bộ phận một cửa tại UBND TX.Tân Uyên
Người dân hài lòng
Sáng sớm, tại bộ phận một cửa thị trấn Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) có rất nhiều người đến thực hiện các thủ tục hành chính. Trong đó có một thanh niên đến và về rất nhanh với gương mặt vui vẻ đó là anh Lê Huy Nguyên, kỹ sư xây dựng, ngụ tại khu phố 1, thị trấn Tân Thành. Dù vừa trải qua chuyến hành trình dài từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) về Bình Dương nhưng anh Nguyên vẫn rạng rỡ với những niềm vui trên gương mặt. Anh Nguyên nói, do công trình đang trong giai đoạn quan trọng nên anh chỉ được phép nghỉ 1 ngày để về địa phương lấy giấy chứng nhận độc thân, chuẩn bị lấy vợ quê ở Bình Định. Nhờ có dịch vụ công trực tuyến nên sau khi đăng ký qua điện thoại, anh đã đặt chuyến bay khứ hồi trong ngày để lấy giấy chứng nhận và kịp trở lại công việc.
Tại bộ phận một cửa phường Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên), bạn Nguyễn Thị Ngọc Trâm (đoàn viên Phường đoàn Hội Nghĩa) nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục làm hồ sơ xin việc làm cho anh Nguyễn Văn Thạch (quê tỉnh Sóc Trăng). Ngọc Trâm cho biết nhiều người lớn tuổi và ít sử dụng điện thoại thông minh nên mất nhiều thời gian hướng dẫn hơn. Trung bình mỗi ngày Trâm hỗ trợ cho 3-5 người đăng ký các thủ tục hành chính trực tiếp và dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, Ngọc Trâm vẫn rất hăng hái vì cô luôn vững tin rằng khi mọi người đã thông thạo sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì cả người dân và cán bộ bộ phận một cửa sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian…
Qua ghi nhận tại Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên, nhiều người dân và doanh nghiệp đến đây đều được hướng dẫn làm hồ sơ và đăng ký dịch vụ công trực tuyến và ra về với vẻ hài lòng. Do đặc thù của một số ngành, lĩnh vực nên một số thủ tục vẫn phải thực hiện trực tiếp, đặc biệt như ngành tư pháp, hộ tịch…
Tiếp tục khắc phục các hạn chế
Theo ghi nhận của P.V, bên cạnh những ưu điểm mà CĐS đang từng ngày mang lại cho các tầng lớp nhân dân, quá trình thực hiện CĐS, đưa vào sử dụng hệ thống mới trong dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế. Những hạn chế chung tại các địa phương chủ yếu vẫn là nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện chưa bảo đảm cả về chất lẫn về lượng, gây ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT và quá trình CĐS, nguy cơ thiếu hụt do thay đổi vị trí việc làm; công chức phụ trách CNTT thực hiện kiêm nhiệm, chưa có kiến thức chuyên sâu về CNTT nên việc tổ chức, triển khai về CNTT, CĐS còn hạn chế…
Theo ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, việc sử dụng hệ thống mới mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, thực hiện bảo đảm việc số hóa hồ sơ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ xử lý của hệ thống mới vẫn còn chậm, quy trình chưa được đồng bộ, thống nhất giữa thực tế và hệ thống; số liệu thống kê báo cáo giữa các mục không trùng khớp với nhau gây khó khăn trong việc kiểm soát hồ sơ và tổng hợp báo cáo. Việc thanh toán không dùng tiền mặt còn gặp nhiều khó khăn về tính pháp lý của hóa đơn điện tử, việc đối soát giữa đơn vị trung gian và cơ quan thụ hưởng.
Ông Nguyễn Hữu Yên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết để quá trình thực hiện CĐS trong thời gian tới, cụ thể là trong năm 2023 hiệu quả, thì các sở, ngành, đơn vị có liên quan cần nhanh chóng hỗ trợ hướng dẫn thực hiện, giúp các địa phương tháo gỡ những khó khăn, giải những bài toán đang đặt ra trong thực tiễn. Đồng thời, các địa phương cần đầu tư trang thiết bị, hạ tầng, sớm thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người cài đặt, sử dụng app Bình Dương số, đăng ký các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023…
MINH HIẾU