Tiếp tục quyết liệt xử lý vi phạm để kéo giảm TNGT

Thứ tư, ngày 08/04/2020

(BDO) Trong quý I-2020, bằng việc triển khai nhiều biện pháp mạnh, đặc biệt là việc tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm kết hợp cùng khung hình phạt nghiêm khắc từ Luật Phòng, chống tác hại của bia, rượu và Nghị định 100/ NĐ-CP của Chính phủ đã giúp ngành chức năng kiềm chế được số vụ tai nạn giao thông (TNGT), góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên toàn địa bàn.


Cảnh sát giao thông huyện Bàu Bàng lập biên bản người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm

Vi phạm cồn, quá tải trọng giảm

Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2020, qua quá trình TTKS, lực lượng chuyên ngành đã phát hiện 24.411 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt 21.376 trường hợp với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.

Trong đó, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát hiện 23.785 trường hợp vi phạm, tiến hành xử lý 20.750 trường hợp. Đặc biệt, trong cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn (từ ngày 1-1 đến 14-3-2020) lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và lập biên bản 1.024 trường hợp vi phạm (gồm 113 trường hợp ô tô, 911 trường hợp mô tô), qua đó tước 655 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.024 phương tiện.

Riêng đối với lực lượng Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải, trong thời gian này đã phát hiện 556 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 625 hành vi vi phạm. Đáng chú ý là trong số những vi phạm này có đến 188 trường hợp vi phạm về quá tải trọng cho phép, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, ra 188 quyết định xử phạt, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 33 trường hợp.

Việc tăng cường TTKS xử lý nghiêm vi phạm theo chuyên đề trong thời gian qua đã giúp hạn chế được rất nhiều lỗi vi phạm, nhất là các lỗi thường xuyên, là nguyên nhân chủ yếu có thể dẫn đến TNGT, như: Vi phạm về nồng độ cồn, tranh vượt sai quy định, quá tốc độ cho phép, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông... Cũng từ việc tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm cụ thể như quá tải trọng, “xe dù, bến cóc”... đang có dấu hiệu giảm dần theo thời gian. Tại nhiều địa phương như: Huyện Dầu Tiếng, huyện Bắc Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một... việc thắt chặt xử lý vi phạm đã giúp kiểm soát, kiềm chế tốt các tiêu chí về TNGT.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT TP.Thủ Dầu Một, cho biết từ đầu năm đến nay công tác TTKS, xử lý vi phạm đã được các lực lượng chức năng toàn thành phố đẩy mạnh thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông, tập trung xử lý vi phạm theo chuyên đề. Cùng với đó, công tác xử lý vi phạm hành chính, giải quyết TNGT được lực lượng chuyên ngành thực hiện nghiêm túc, đúng người đúng lỗi vi phạm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời răn đe, giáo dục chung trong nhân dân. Những việc làm này đã giúp tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn được cải thiện, các tiêu chí về TNGT được kéo giảm so với cùng kỳ...

Tiếp tục triển khai giải pháp kiềm chế TNGT

Nỗ lực từ ngành chức năng trong thời gian qua đã giúp 2 tiêu chí về TNGT là số vụ và số người bị thương giảm sâu. Tuy nhiên, với tiêu chí về số người chết bất ngờ tăng lên là một thách thức đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.

Cụ thể, trong quý I-2020 (từ ngày 15-12-2019 đến 14-3-2020) toàn tỉnh xảy ra 324 vụ TNGT đường bộ và đường thủy, làm chết 80 người, bị thương 346 người, làm hư hỏng 584 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2019 giảm 47 vụ TNGT, số người chết tăng 7 người (+9,59%).

Với quyết tâm kéo giảm các tiêu chí về TNGT trong quý II-2020, ngành chức năng toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, cho biết để có thể kiềm chế tốt các tiêu chí về TNGT, trong thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng chuyên ngành tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm theo chuyên đề, Ban ATGT tỉnh yêu cầu Ban ATGT các huyện, thị, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý lòng lề đường, hành lang an toàn đường bộ, đường đô thị, đường sắt, giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm...; đồng thời thực hiện cưỡng chế đối với những trường hợp trực tiếp gây mất ATGT, tái lấn chiếm... nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT.

 BÌNH MINH