Tiếp tục quan tâm, chăm lo cho hộ nghèo
(BDO) Năm 2022, mức chuẩn nghèo của Bình Dương cao hơn Trung ương 1,5 lần. Nhiều năm qua, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững bằng những chính sách linh hoạt của Trung ương và địa phương, giúp người nghèo có điều kiện vươn lên, bảo đảm an sinh xã hội. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo tỉnh Bình Dương năm 2023 là hơn 66,7 tỷ đồng.
Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ nghèo được các cấp chính quyền, đơn vị quan tâm xây dựng, hỗ trợ nhà ở, giúp sớm ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh, TX.Tân Uyên bàn giao nhà chữ thập đỏ cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường Hội Nghĩa
Liên tục nâng mức chuẩn nghèo
Công tác giảm nghèo trên địa bàn luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, triển khai kịp thời, đồng bộ và hiệu quả đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Ngoài các chính sách theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh còn thực hiện tốt các phương án giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế địa phương.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 1997 đến nay, Bình Dương đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo. Trong đó, liên tục từ năm 2009 đến nay, Bình Dương đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh, cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7-3 lần. Theo đó, giai đoạn từ 2009-2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011-2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014- 2015 cao hơn 2,5 lần; giai đoạn 2016-2020 cao hơn 1,7 lần. Trong năm 2022, Bình Dương tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh về thu nhập cao hơn của Trung ương 1,5 lần.
Để giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các địa phương trong tỉnh thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện; chính sách dạy nghề, đào tạo việc làm, phát triển sản xuất; hoạt động truyền thông nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo; các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, vận động “Quỹ vì người nghèo”... Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo của tỉnh năm 2022 là hơn 70 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương hơn 43,5 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 25,7 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.943 hộ thoát nghèo/4.093 hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương, đạt tỷ lệ 47%.
Linh hoạt thực hiện giảm nghèo
Hàng năm, bên cạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương mình. Các địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó xây dựng phương án và phân công các ngành, đoàn thể chung tay hỗ trợ bằng nhiều hình thức như cho vay vốn đối với các hộ nghèo có thành viên còn sức lao động, tạo điều kiện cho gia đình tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp họ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các phong trào, như: “Ngày vì người nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng “Tổ tiết kiệm - tín dụng”, “Quỹ khuyến học”, “Quỹ tín dụng cho người nghèo”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững đã được các địa phương thực hiện tốt. Bên cạnh đó, các địa phương còn huy động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng chung tay, góp sức hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.
Các địa phương còn triển khai nhiều cách làm hiệu quả như mô hình: “Cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo”, quỹ nuôi bò sinh sản, thâm canh cây tiêu, nuôi gà thả vườn, trồng nấm, chăm sóc cây cảnh, sửa xe ô tô - xe máy, may gia công, lái xe... Đặc biệt, trong những năm gần đây, mô hình “Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng” đã được các địa phương triển khai rộng khắp. Thông qua mô hình, hàng trăm trường hợp được trợ giúp, tạo việc làm, có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh các mô hình giảm nghèo thường áp dụng trước đây, một số xã, phường còn có cách làm sáng tạo, đưa ra mô hình giảm nghèo hiệu quả. Điển hình như UBND phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) đã có mô hình “Hồ sơ nhân ái”. Với mô hình này, cán bộ phường phối hợp cùng cán bộ khu phố trực tiếp đến gặp gỡ các hộ khó khăn trên địa bàn để rà soát, thống kê hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình, nhu cầu hỗ trợ, trợ cấp thêm gì để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Sau đó, phường lập hồ sơ từng hộ để theo dõi; bước tiếp theo là vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn nhận hỗ trợ hàng tháng. Tùy vào từng trường hợp mà các hộ nghèo nhận hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ tháng, thậm chí cao hơn...
Trao đổi với P.V, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng cho công tác giảm nghèo vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và hàng năm của địa phương. Công tác giảm nghèo còn nhận được sự đồng thuận của cộng đồng, nhân dân, doanh nghiệp và các cá nhân. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trên địa bàn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, đó là một số hộ có mức thu nhập sát với chuẩn nghèo dễ rơi vào hộ nghèo, nhưng chưa nỗ lực vươn lên; một số hộ nghèo còn trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước và cộng đồng, chưa nỗ lực thoát nghèo.
“Trong năm 2023, các sở, ngành trong tỉnh tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình giảm nghèo, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; tuyên truyền chính sách cho người nghèo nhằm làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, tự vươn lên thoát nghèo”, ông Hà Minh Trung nói.
QUANG TÁM