Tiếp tục phát huy dân chủ tại nơi làm việc

Thứ hai, ngày 03/04/2017

(BDO) Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động và hiệu quả, chất lượng công việc cũng như xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc. Tuy nhiên, theo đánh giá của các thành viên Ban chỉ đạo về thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh, việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc vẫn còn gặp một số khó khăn.

 Thực hiện tốt QCDC tại nơi làm việc sẽ phát huy quyền làm chủ, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho công nhân lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm được sản xuất từ gạo lứt tại Công ty TNHH Jimmy Hung Anh Jood (Khu công nghiệp Bàu Bàng). Ảnh: Q.C

Qua quá trình triển khai thực hiện, chất lượng tổ chức thực hiện QCDC cơ sở và tổ chức đối thoại tại các nơi làm việc trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, nhất là đối với các đơn vị doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Thông qua đối thoại, nhiều đơn vị đã giải quyết những kiến nghị chính đáng, những vướng mắc của người lao động; quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ như chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ ốm đau, thai sản… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN chưa thực hiện tốt cơ chế đối thoại để giải quyết kịp thời các kiến nghị từ phía người lao động nên vẫn còn dẫn đến tranh chấp lao động. Việc tổ chức hội nghị người lao động tại một số DN được tổ chức dưới hình thức lồng ghép với đại hội cổ đông hoặc lồng ghép với hội nghị tổng kết năm của DN. Việc tổ chức còn sơ sài, không chú trọng đến nội dung mà nặng về hình thức. Nội dung QCDC ở một số DN còn rập khuôn theo quy định của pháp luật, chưa cụ thể hóa vào thực tế của DN. Ở những DN chưa có tổ chức công đoàn thì hầu như không triển khai thực hiện QCDC theo quy định.

Theo ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2014 đến nay, tình hình thực hiện QCDC cơ sở tại nơi làm việc của DN chưa đạt hiệu quả cao. Chủ DN chưa thực sự quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động hoặc có tổ chức cũng chỉ mang hình thức, không đầy đủ nội dung. Số DN có tổ chức công đoàn cũng còn thấp so với tổng số DN đăng ký thành lập và hoạt động. Cùng quan điểm với ông Hồ Quang Điệp, bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, xác định việc thực hiện QCDC trong các DN là nhiệm vụ thường xuyên, do vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng năm; chỉ đạo và thường xuyên hỗ trợ các cấp công đoàn trong việc phối hợp với chính quyền đơn vị và người sử dụng lao động trong DN tổ chức thực hiện các hình thức dân chủ, phát huy quyền dân chủ và quyền làm chủ trực tiếp của công nhân viên chức lao động.

Bà Trương Thị Bích Hạnh cho biết thêm, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về dân chủ cơ sở, ý nghĩa, lợi ích việc thực hiện QCDC ở cơ sở đến đối tượng là người sử dụng lao động chưa thường xuyên và thực sự thuyết phục nên chưa thay đổi được nhận thức của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DN. Ở một số địa phương và một số cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai và giải pháp tổ chức thực hiện, còn xem trách nhiệm triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ chính của công đoàn nên chưa có sự tập trung chỉ đạo, giải pháp tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt và hiệu quả. Trong khi đó, ông Bùi Văn Ra, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Dĩ An cho rằng, nhận thức của người sử dụng lao động về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại DN còn hạn chế. Một số DN có tổ chức đối thoại với người lao động thì không phải do người sử dụng lao động đứng ra chủ trì mà lại do công đoàn cơ sở thực hiện và mời DN tham gia…

Để QCDC tại nơi làm việc thực sự phát huy hiệu quả, ông Bùi Văn Ra cho rằng, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động về các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xem đây là giải pháp trọng tâm về công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí để xét, xếp loại ở các phong trào thi đua. Cũng theo ông Ra, cần thường xuyên có sự phối hợp giữa lãnh đạo DN và các đoàn thể trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở; phát huy tốt vai trò của các đoàn thể trong DN, đôn đốc các đơn vị xây dựng đầy đủ các quy chế theo nghị định, tổ chức hội nghị người lao động bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh, mở rộng và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động.

Đóng góp thêm ý kiến về thực hiện QCDC tại nơi làm việc, ông Hồ Quang Điệp cho rằng, cần bổ sung quy định DN phải báo cáo kết quả sau khi tổ chức đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương để kịp thời nắm bắt thông tin cũng như có hướng xử lý đối với những DN có bất ổn trong vấn đề quan hệ lao động. Song song đó là bổ sung chế tài đối với các DN không thực hiện việc tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ theo quy định.

Việc thực hiện tốt QCDC tại nơi làm việc sẽ tiếp tục phát huy quyền làm chủ của người lao động, góp phần đảm bảo việc làm, ổn định đời sống công nhân lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN.

CAO SƠN