Tiếp tục khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài

Thứ tư, ngày 10/04/2019

Quý I-2019, công tác thu hút đầu tư của Bình Dương tiếp tục đạt kết quả khả quan khi có đến 9.888 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 545 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Điều đáng chú ý là dòng vốn này được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, trong đó chủ yếu là các ngành công nghiệp hỗ trợ.

(BDO)

 

Bình Dương tiếp tục khơi thông dòng vốn FDI. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (TX.Bến Cát). Ảnh: P.V

Tín hiệu vui từ đầu năm

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong quý I toàn tỉnh đã thu hút 9.888 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gồm 1.018 doanh nghiệp đăng ký mới (5.997 tỷ đồng, tăng 12,3%) và 173 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (5.700 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước). Tính đến nay, toàn tỉnh có 37.494 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 310.867 tỷ đồng. Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút 545 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 38,9% kế hoạch năm 2019. Trong số này có 48 dự án mới, 26 dự án điều chỉnh vốn và 38 doanh nghiệp góp vốn. Đến hết quý I-2019, toàn tỉnh có 3.571 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 32,85 tỷ USD.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết trong quý I, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư chiếm 8,7% lượng vốn FDI vào Việt Nam. Các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và đã có nhiều dự án quy mô vốn lớn được cấp phép.

Từ hơn 2 thập niên trước, Bình Dương tập trung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế theo hướng hiện đại; chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ để làm nền tảng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; bảo đảm cho mức tăng trưởng của tỉnh liên tục đạt trên 13% hàng năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Việc Bình Dương liên tục nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong những năm qua đã góp phần to lớn làm thay đổi kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Chú trọng các dự án vào lĩnh vực ưu tiên

Theo UBND tỉnh, nhờ thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư và triển khai, điều hành hiệu quả nên trong quý I-2019 sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Cụ thể, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có 236 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 7,16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có một số lĩnh vực tăng trưởng khá như công nghiệp chế biến tăng 7,17%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 10,25%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,52%. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản phẩm bằng cao su và plastic tăng 9,1%, thiết bị bán dẫn tăng 17,9%, sắt thép thô tăng 43,5%...

3 tháng qua, các chủ đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng vốn ước đạt 14,4 tỷ đồng; các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 376 triệu USD, cho thuê được 20 ha. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 621 triệu USD để đầu tư nhà máy, thiết bị phục vụ sản xuất; doanh thu đạt 7,2 tỷ USD, xuất khẩu đạt 4,1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, việc nước ta đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đó cũng là cơ sở để kỳ vọng trong năm 2019 sẽ có nhiều dự án FDI lớn vào các địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp như Bình Dương. Chính vì thế, trong năm nay, Bình Dương tiếp tục được kỳ vọng sẽ thu hút vốn FDI lớn.

Hiện Bình Dương đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động. Riêng Sở Kế hoạch - Đầu tư, tới đây sẽ phối hợp với Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh và các công ty đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị thu hút đầu tư mới; cùng với đó rà soát và nắm bắt nhu cầu tăng vốn của các dự án đang triển khai, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Ông hy vọng trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương phát triển năng động, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, từ đó tạo nguồn lực và tiền đề cho Bình Dương thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, bền vững.

 Đòn bẩy từ vốn FDI

Trong thời gian qua, Bình Dương có tốc độ phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 14,5%. Tính riêng trong năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đưa GRDP tăng 8,68%; GRDP bình quân đầu người đạt 130,3 triệu đồng.

Với gần 75% tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011-2016 khu vực FDI đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, góp phần đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Các doanh nghiệp có vốn FDI đã tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Bình Dương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI còn là một nguồn lực quan trọng giúp cho đô thị Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.

 KHÁNH VINH

Từ khóa: