Tiếp tục hỗ trợ phát triển vườn cây ăn trái đặc sản
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 45 của UBND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 (Quyết định 45) đã giúp chính quyền địa phương và nông dân trong tỉnh tháo gỡ những khó khăn về khả năng phục hồi vườn cây ăn quả đặc sản, chủ động đầu tư cải tạo, thâm canh chăm sóc vườn cây… Tiếp nối những thành công đó, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63 thay cho Quyết định 45, quy định về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh giai đoạn 2017-2021 với nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
(BDO)
Từ chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vùng cây ăn quả đặc sản của tỉnh đã giúp nông dân khôi phục, chủ động đầu tư trồng mới, thâm canh và chăm sóc tốt vườn cây. Trong ảnh: Ông Võ Văn Ngó, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Tiếp sức cho nông dân
Sau 4 năm thực hiện Quyết định 45, toàn tỉnh có 8.368 hộ được hỗ trợ chính sách với hơn 2.231 ha trồng cây ăn quả đặc sản, tổng kinh phí hỗ trợ 19,6 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp cho năng suất, chất lượng vườn cây của nhiều gia đình nông dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Khu vực cầu Ngang thuộc phường Hưng Định, TX.Thuận An là nơi có vườn trái cây nổi tiếng hơn trăm năm với nhãn hiệu Măng cụt Lái Thiêu đặc trưng của địa phương. Nhiều gia đình trồng cây ăn trái ở đây phấn khởi cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh mà những năm gần đây, đã có hàng trăm héc ta vườn cây ăn trái gắn liền với địa danh Lái Thiêu dần được phục hồi và phát triển. Ông Nguyễn Văn Dội, nông dân ở phường Hưng Định chia sẻ, hiện gia đình ông có hơn 5.000m2 đất trồng cây ăn trái, trong đó có một nửa diện tích trồng măng cụt và được hưởng hỗ trợ từ chính sách của tỉnh nhiều năm nay. “Tuy chi phí, phân bón được hỗ trợ không lớn nhưng cũng phần nào giúp những người làm vườn như chúng tôi cảm thấy vui mừng. Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường, nông dân trồng cây ăn trái rất lo lắng. Năm nay, Quyết định số 63 của UBND tỉnh được ban hành còn có nội dung hỗ trợ về vật tư nông nghiệp và tiền công chăm sóc đối với những nhà vườn mất mùa, nông dân lại có thêm chi phí trang trải và quyết tâm giữ vững vườn cây mà ông bà xưa để lại”, ông Dội nói.
Rời phường Hưng Định chúng tôi đến Cù lao Bạch Đằng (TX.Tân Uyên). Qua bàn tay chăm chút của người nông dân xã Bạch Đằng đã góp phần tạo nên Nhãn hiệu tập thể Bưởi Bạch Đằng vang tiếng gần xa. Ông Võ Văn Ngó, ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, có vườn bưởi trên 5.000m2 phấn khởi cho biết, nhờ Quyết định 45 mà nông dân trồng bưởi ở đây đã mạnh dạn đầu tư áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp vào chăm sóc. Nhờ đó, vườn bưởi của gia đình ông đạt cả về số lượng lẫn chất lượng; mỗi cây bưởi vào vụ có từ 70 - 80 trái, trọng lượng mỗi trái khoảng trên dưới 1,5kg.
Đưa thương hiệu trái cây đặc sản vươn xa
Quyết định số 63 của UBND tỉnh vừa được ban hành bổ sung thêm một số điểm mới cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đồng thời kế thừa những quy định còn phù hợp tại Quyết định 45. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ thâm canh, chăm sóc vườn từ 4 triệu đồng/ha/năm lên 5 triệu đồng/ha/năm; bổ sung quy định về tiêu chuẩn cán bộ chỉ đạo kỹ thuật; bổ sung hỗ trợ nhà vườn thất mùa, mất mùa; bỏ quy định mức hỗ trợ được định giá từ gạo; bỏ quy định hỗ trợ về phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm được quy định tại Quyết định 45.
Theo Quyết định số 63, các loại cây ăn quả đặc sản được tỉnh hỗ trợ gồm măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ, được trồng ở các phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, xã An Sơn (TX.Thuận An) và 2 loại cây bưởi ổi, bưởi đường lá cam được trồng ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên). Việc hỗ trợ này được áp dụng cho trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn; hỗ trợ cho nhà vườn thất mùa, mất mùa; hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật, tham quan. Cụ thể, ngoài việc hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư nông nghiệp, đối với vườn trồng mới hoặc cải tạo trồng mới sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho kiến thiết vườn trồng mới và 5 triệu đồng/ ha/năm cho việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng; đối với nhà vườn thất mùa được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng 6,75 triệu đồng/ ha và 70% vật tư nông nghiệp...
Bên cạnh đó, chính sách còn hỗ trợ cán bộ tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật với mức hỗ trợ bằng hai lần mức lương cơ sở; hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn khoa học - kỹ thuật và kinh phí tham quan các mô hình cho người sản xuất trong và ngoài tỉnh. Quy mô diện tích vườn được hưởng chính sách từ 500m2 trở lên và thời gian hỗ trợ 5 năm, từ 2017-2021...
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay Bình Dương phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp kỹ thuật cao nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Quyết định số 63 về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện giữ gìn và khôi phục, phát triển mạnh các loại cây ăn trái đặc sản, vừa tăng thu nhập cho nông dân vừa tạo điều kiện cho các loại hình du lịch sinh thái của những vùng đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai phát triển thuận lợi hơn. Phấn đấu mở rộng quy mô diện tích vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản đến năm 2020 của tỉnh lên 1.035 ha, năng suất đạt 9,40 tấn/năm, giá trị sản lượng đạt 15.698 tấn.
QUỲNH NHIÊN