Tiếp tục hỗ trợ phát triển vườn cây ăn quả
(BDO) Chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021 đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 và thay thế Quyết định số 45 ngày 16-10-2012 của UBND tỉnh. Chính sách này góp phần gìn giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, tạo mảng xanh bảo vệ môi trường kết hợp với du lịch sinh thái.
Duy trì, phát triển vườn cây ăn trái
Ông Nguyễn Hữu Trí, ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An chia sẻ, hơn chục năm trước vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu được mệnh danh là “miền Tây thu nhỏ” tại khu vực Đông Nam bộ. Ngày ấy, những vườn chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… trĩu quả đón rất nhiều khách thập phương tới tham quan, thưởng thức. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh tại TX.Thuận An, cùng với đó là biến đổi khí hậu đã làm cho diện tích cây ăn quả nơi đây bị thu hẹp. Trong điều kiện đó, Quyết định số 45 của UBND được ban hành năm 2012 đã làm sống lại hy vọng khôi phục vườn cây ăn quả vốn là thương hiệu của tỉnh Bình Dương. Còn hiện nay, Quyết định số 63 của UBND tỉnh ra đời một lần nữa tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao của người dân địa phương.
Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, là người giúp Bình Dương xây dựng Đề án “Phát triển du lịch sinh thái gắn liền với vườn trái cây đặc sản và làng nghề truyền thống” cho biết, lợi ích của việc giữ vườn trái cây đặc sản là rất lớn. Thương hiệu Lái Thiêu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người, vườn trái cây đặc sản sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển du lịch nơi đây, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh vườn của mình. Quan trọng nhất, quá trình phát triển đô thị của Bình Dương sẽ có thêm những mảng xanh làm điểm nhấn, TX.Thuận An sẽ có “những làng quê bình yên” nằm giữa nhịp sống sôi động của đô thị. Những khu vực như Lái Thiêu sẽ là lá phổi xanh, “máy điều hòa nhiệt độ” cho đô thị Thuận An trong tương lai.
Vườn cây ăn trái của ông Trần Văn Đồng, ở phường An Thạnh có thêm cơ hội phát triển, sinh lợi nhờ từ chính sách hỗ trợ của tỉnh. Ảnh: XUÂN VĨ
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND phường An Thạnh, TX.Thuận An nói, Quyết định số 45 của UBND tỉnh ra đời và mới đây là Quyết định số 63 của UBND giúp người nông dân tin tưởng về khả năng sinh lợi từ vườn cây ăn trái. Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trong tỉnh được hưởng lợi từ chính sách này, nhờ đó người dân đã quan tâm đầu tư và chăm sóc vườn cây ăn quả nhiều hơn. Các loại trái cây đặc sản của phường An Thạnh như dâu, măng cụt, sầu riêng... cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại các chợ.
Giúp người dân gắn bó với vườn cây
Theo UBND tỉnh, đối tượng được hưởng chính sách này bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có vườn cây ăn quả đặc sản đang thời kỳ kinh doanh, trồng mới hoặc cải tạo trồng mới từ vườn cây già cỗi, vườn tạp kém hiệu quả và cá nhân, tổ chức, đơn vị có liên quan đến công tác hỗ trợ phát triển vườn cây ăn quả đặc sản của tỉnh. Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển 5 loại cây ăn quả đặc sản gồm măng cụt, sầu riêng, dâu, bòn bon và mít tố nữ được trồng tại 4 xã, phường của TX.Thuận An (các phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn) và 2 loại cây bưởi ổi, bưởi đường lá cam được trồng ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên.
Chính sách hỗ trợ này được áp dụng cho trồng mới và thâm canh, chăm sóc vườn; hỗ trợ cho nhà vườn thất mùa, mất mùa; hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo kỹ thuật và tập huấn kỹ thuật, tham quan. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và kỹ thuật, đối với trồng mới sẽ được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng với 5 triệu đồng/ha/năm; đối với nhà vườn thất mùa, năng suất đạt thấp hơn 60% năng suất bình quân được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng 6 triệu 750 ngàn đồng/ha; đối với nhà vườn không có thu hoạch được hỗ trợ việc chăm sóc, nạo vét kênh mương nội đồng 9 triệu đồng/ha. Quy mô diện tích vườn được hưởng chính sách này là từ 500m2 trở lên và thời gian hỗ trợ là 5 năm (2017 -2021).
Ông Trần Văn Đồng, cựu chiến binh ở phường An Thạnh chia sẻ, những năm trước khi chưa được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, gia đình ông nhiều lần dự tính bán vườn cây hơn 1 ha, bởi giai đoạn đó cây ăn quả tại vườn cho năng suất rất thấp, chi phí chăm sóc lại cao, lấy công không đủ bù vốn. May mắn là chính sách hỗ trợ vườn cây đặc sản ra đời đúng lúc, gia đình ông đã tích cực cải tạo vườn cây gồm dâu, sầu riêng, măng cụt… Hiện nay, vườn cây của gia đình ông cho thu nhập bình quân trên 120 triệu đồng/năm.
Song song với chính sách hỗ trợ vườn trái cây đặc sản, UBND tỉnh cũng thực hiện nhiều biện pháp đồng độ như nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tại khu vực ven sông Sài Gòn, nơi bao bọc vườn cây ăn trái Lái Thiêu; cùng với đó thực hiện các đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể măng cụt Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng… Đó là cách giúp tỉnh nhà giữ vững và phát triển bền vững vườn cây ăn trái và giúp người nông dân an tâm gắn bó với vườn cây ăn trái của mình.
XUÂN VĨ