Tiếp tục chăm lo, bảo vệ người lao động

Thứ ba, ngày 12/11/2024

(BDO) Trong năm 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động phối hợp với người sử dụng lao động, chính quyền, tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực đời sống người lao động. Các chính sách tiền lương, bảo hiểm, việc làm, học tập của con em lao động được quan tâm, chăm lo, qua đó giúp người lao động tiếp tục gắn bó lâu dài với Bình Dương.


Các hoạt động vui chơi giải trí cho đoàn viên, NLĐ được các cấp công đoàn đẩy mạnh thực hiện

Bảo vệ quyền lợi chính đáng

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong năm qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số DN ngành gỗ, dệt may, điện tử bị giảm đơn hàng đã ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một số lao động. LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan quản lý lao động địa phương trao đổi phương án sắp xếp lại lao động và hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) tìm kiếm việc làm mới.

Trong 10 tháng qua, các cấp công đoàn đã phối hợp hòa giải các vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể tại các DN. Nhìn chung, các vụ tranh chấp lao động đều xảy ra tự phát, không tuân thủ trình tự pháp luật, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đề nghị nâng lương, hỗ trợ chuyên cần, cải thiện bữa ăn ca.

Ngay sau khi xảy ra các vụ việc, các cấp công đoàn đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ, vận động công nhân trở lại làm việc bình thường, ổn định. Các kiến nghị chính đáng của NLĐ được DN cam kết thực hiện.

Bà Ong Thụy Hoàng Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết để bảo đảm quyền lợi NLĐ, các cấp công đoàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, đóng góp ý kiến sửa đổi quy định về chế độ phụ cấp công đoàn; tổ chức đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo quy định tại từng DN.

Cùng với đó, công tác rà soát, giải ngân gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được thực hiện tốt. Công tác vận động hỗ trợ xây dựng “Mái ấm công đoàn”; thăm hỏi, sẻ chia với hàng trăm NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Công tác tư vấn pháp luật và giải quyết đơn thư khiếu nại của NLĐ được thực hiện chu đáo.

Phấn đấu 100% NLĐ khó khăn được chăm lo

Trong năm 2024, bằng nguồn kinh phí công đoàn, hỗ trợ của chính quyền địa phương và bằng nguồn xã hội hóa, công đoàn các cấp tỉnh Bình Dương tập trung chăm lo cho NLĐ trên 350 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa hơn 21 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này phần lớn tập trung các hoạt động chăm lo tết, hỗ trợ tiền tàu xe; tặng quà và thăm hỏi cho hàng ngàn công nhân có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo cả vật chất và tinh thần trong chuỗi hoạt động Tháng Công nhân.


Trong năm 2024, hầu hết các công đoàn cơ sở trên địa bàn phối hợp tốt với doanh nghiệp thực hiện chăm lo đời sống mọi mặt của NLĐ  

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, cho biết nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai công tác phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ rộng khắp, giải quyết được nhiều vấn đề thiết thực, tác động đến đông đảo đoàn viên, NLĐ và tổ chức công đoàn, qua đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm lo phúc lợi đoàn viên, NLĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục và có giải pháp đồng bộ. Qua đó, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Tập trung chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ trong tình hình mới”.

Các tiêu chí đề ra trong thực hiện Nghị quyết số 07/ NQ đến năm 2030 là 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn; 100% đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn, được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức công đoàn hoặc công đoàn phối hợp tổ chức. LĐLĐ tỉnh và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ tết Công đoàn” với hình thức phù hợp. Phấn đấu ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi đoàn viên, NLĐ. 100% cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên cơ sở được giao làm công tác chăm lo phúc lợi được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phúc lợi. Phấn đấu trên 80% cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi tốt hơn quy định của pháp luật; ít nhất 50% thỏa ước lao động tập thể do tổ chức công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên...

Qua đó, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi cho NLĐ trong thời gian tới. Bố trí nguồn nhân lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi. Triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi đề ra. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, NLĐ...

Trong 10 tháng qua, các cấp công đoàn đã phối hợp hòa giải thành được 21 vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể với tổng số lao động tham gia khoảng 11.500 người. Nhìn chung, các vụ tranh chấp lao động đều xảy ra tự phát, không tuân thủ trình tự pháp luật, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến đề nghị nâng lương, hỗ trợ chuyên cần, cải thiện bữa ăn ca.

QUANG TÁM