Tiếp tục các giải pháp chống ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư
(BDO) Những ngày nghỉ lễ đang đến gần, khi lực lượng công an các địa phương đang triển khai hàng loạt giải pháp để giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), đặc biệt là trong các khu nhà trọ thì một vấn đề có lẽ không mới nhưng cần nhắc lại là việc xử lý những người dùng “loa kẹo kéo” hát hò gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trong khu dân cư.
Đây là vấn đề không mới. Trước đây nhiều người đã lên tiếng phản ứng vì những hệ lụy của các buổi hát hò trong nhà trọ sau những cuộc rượu. Có những buổi hát hò ban đầu rất vui nhưng lại kết thúc ở bệnh viện và tòa án. Nguyên nhân vì người này chê người kia hát dở; người này dành bài hát của người kia. Nhưng phổ biến nhất là phản ứng của những người xung quanh vì việc hát hò gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ.
Rất mừng là sau phản ánh đó chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý. Nhờ vậy, thời gian qua tình trạng ca hát nghêu ngao vào những ngày cuối tuần, vào đêm khuya ở các khu nhà trọ đã giảm. Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ lễ tình trạng này lại có nguy cơ tái diễn.
Nhiều người lý giải họ thích thì hát chứ sao lại cấm? Tuy nhiên, sở thích là một chuyện nhưng khi sở thích đó gây ảnh hưởng đến người khác thì lại là chuyện khác! Hành vi hát hò gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của những người xung quanh có thể bị phạt hành chính. Cụ thể là Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2022 đã chú trọng xử phạt với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau (như hát karaoke, hát loa kẹo kéo); không thực hiện các quy định chung về giữ yên tĩnh tại bệnh viện, trường học, nhà điều dưỡng… bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần, có thể lên tới 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Chế tài xử phạt đối với hành vi này đã rõ, tuy nhiên không phải ai cũng biết mà tuân thủ. Vì vậy, công tác tuyên truyền các quy định cũng như mức xử phạt cũng như vận động người dân chấp hành cần được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là ở cấp cơ sở như khu phố, ấp, tổ… Trong đó, phát huy thế mạnh của hệ thống loa truyền thanh, các lực lượng giữ gìn ANTT ở cơ sở để những ngày nghỉ lễ của người dân được vui tươi trọn vẹn.
L.T.PHƯƠNG