Tiếp tục các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội: Chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa

Thứ năm, ngày 16/02/2023

(BDO) Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong năm 2022, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm xuất hiện nhiều hơn. Đáng chú ý là hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn. Tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ còn xảy ra nhiều, gây thiệt hại về người và tài sản đã tác động đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương và đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT.


Tổ 171 Công an tỉnh chuẩn bị lên đường tuần tra nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm về đêm

Chủ động trước mọi tình huống

Theo thượng tá Nguyễn Minh Thân, Phó trưởng Phòng Tham mưu (PV01) Công an tỉnh, tội phạm về trật tự xã hội trong năm 2022 đã giảm 6,85% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn trọng điểm. Nổi lên là nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe như giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn trong làm ăn, tình ái; tình trạng các nhóm, thanh thiếu niên mâu thuẫn đánh nhau gây rối xảy ra ở nhiều địa bàn, một số vụ các nhóm hẹn nhau gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn…

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong năm qua tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nổi lên với các hành vi sử dụng súng có tính năng như vũ khí quân dụng để giải quyết mâu thuẫn bộc phát; sử dụng súng giả, vật liệu nổ giả thực hiện hành vi cướp ngân hàng. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện tình trạng các đối tượng từ địa phương khác đến Bình Dương mua bán các loại súng quân dụng, súng bắn đạn bi, pháo… thông qua quảng cáo, thỏa thuận giao dịch trên mạng xã hội.

Tình hình tội phạm hoạt động trên không gian mạng còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán giấy tờ, bằng cấp giả. Tình hình tội phạm ma túy đã xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, câu kết với tội phạm hình sự, trang bị vũ khí nóng và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng; hoạt động có tổ chức thành các đường dây, băng nhóm và lựa chọn tỉnh Bình Dương là địa bàn trung chuyển ma túy từ các tỉnh khác để tập kết, vận chuyển ma túy đi các tỉnh, thành phía Nam tiêu thụ. Các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, nhất là tình trạng người sử dụng chất ma túy bị loạn thần, ngáo đá gây tâm trạng lo sợ cho cộng đồng.

Đáng chú ý là tình trạng các đối tượng lợi dụng cơ sở đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ lưu trú, nhà chung cư... để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn xảy ra nhiều. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh còn nhiều, trong khi hiệu quả công tác cai nghiện còn hạn chế, gây khó khăn, áp lực rất lớn cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy....

Đồng bộ các giải pháp

Trước tình trạng trên, các sở, ban ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện đã triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình nhằm giữ vững ANTT. Trong đó, Công an tỉnh với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh triển khai các nội dung, văn bản kế hoạch quan trọng; tham mưu ban hành chỉ thị chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm ANTT trong những ngày lễ, tết; các kế hoạch phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng, chống tội phạm từ cộng đồng dân cư. Các cơ quan chức năng, đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chương trình nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về công tác phòng chống tội phạm. Kêu gọi người dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh phong trào này trong tình hình mới. Nhiều mô hình, điển hình trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được xây dựng, nhân rộng, củng cố trên địa bàn tỉnh…

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tình hình ANTT trong năm 2022 được giữ vững, ổn định, không xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm 6,85% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19). Tỷ lệ điều tra, khám phá án là 81,15% (vượt chỉ tiêu đề ra là 75%). Trong đó, số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được làm rõ đạt tỷ lệ 91,2% (vượt chỉ tiêu đề ra là 90%). Phát hiện, xử lý nhiều hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy, môi trường, triệt xóa nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội.

Dự báo trong năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm, như: Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và giữ gìn ANTT. Củng cố, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả. Lực lượng Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng trực tiếp chiến đấu, phòng chống tội phạm, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quán triệt phương châm công tác: Phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Phòng ngừa xã hội là căn bản, quyết định; phòng ngừa nghiệp vụ là quan trọng, cần thiết. Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chủ động phòng ngừa và tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tội phạm…

L.T.PHƯƠNG