KHUYẾN CÔNG BÌNH DƯƠNG:
Tiếp sức doanh nghiệp Bảo Hưng
(BDO) Công ty TNHH Bảo Hưng tọa lạc ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. Công ty Bảo Hưng bắt đầu hoạt động từ năm 2004. Với ngành nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gỗ nội thất, 70% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật, còn lại xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Úc, Nam Phi... Công ty có các đơn hàng ngày càng nhiều, và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng và kỹ thuật. Do đó, công ty có kế hoạch đổi mới, cải thiện máy móc công nghệ. Công ty đã lập đề án đầu tư mới máy CNC định hình sản phẩm gỗ do Ý sản xuất, và được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (PTCN) hỗ trợ một phần kinh phí.
Khởi nghiệp đi lên từ khó khăn
Công ty TNHH Bảo Hưng là một công ty làm ăn có hiệu quả của ngành gỗ Bình Dương. Cùng với những thành công trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, công ty rất quan tâm đầu tư máy móc mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Từ năm 2013 đến năm 2016, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ mới tổng giá trị đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Trong số này đặc biệt là hệ thống dây chuyền CNC.
Bà Đỗ Thị Bích Sâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc công ty cho biết: Chúng tôi khởi nghiệp làm gỗ như một cơ duyên. Cách đây 13 năm tôi mua đất ở Tân Phước Khánh, và không biết gì về gỗ. Sau đó, có cơ duyên, chúng tôi bắt đầu làm. Có lúc khó khăn tưởng không vượt qua được, nguyên liệu tăng giá, đầu ra không tăng, thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều lúc muốn cho thuê nhà máy. Nhất là lúc sản phẩm bị lỗi, bị trả hàng... Nhưng dần dần học cách khắc phục, quen dần áp lực, chúng tôi xác định bám nghề, nêu cao quyết tâm Công ty Bảo Hưng phải thành công bằng mọi giá. Từ năm 2013-2014, chúng tôi cơ cấu công ty lại từ đầu: chọn lọc khách hàng tiềm năng. Sau đó là chọn lựa công nhân có nghề, có tâm. Hiện công ty có 138 lao động có tay nghề cao, làm việc thường xuyên tại công ty và gần 500 lao động thời vụ vào mùa cao điểm. Số lao động thường xuyên được tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ. Lương bình quân 5-6 /tháng. Và đặc biệt, để tránh tình trạng sản phẩm bị lỗi, bị trả hàng, chúng tôi mạnh dạn đầu tư máy móc mới. Tính riêng 2 năm gần đây, công ty đầu tư khoảng 5 tỷ để đổi mới công nghệ sản xuất hiện đại. Nhờ vậy công ty đã nâng cao hiệu quả kinh doanh. Doanh số không ngừng tăng trưởng, năm 2016 đạt doanh số 245,7 tỷ đồng.
Thành công nhờ đổi mới công nghệ sản xuất
Đặc biệt trong số máy móc đầu tư mới trong giai đoạn này là máy CNC, tạo hình tự động, sản xuất ra sản phẩm có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nước ngoài. Máy này trị giá hơn 1, 6 tỷ đồng, được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Bích Sâm cho biết thêm, sau khi làm đơn đề nghị Trung tâm Khuyến công hỗ trợ, chúng tôi đã tìm nhà cung cấp tốt nhất về chất lượng cũng như về giá cả để mua máy CNC, Trung tâm đa chức năng TECH Z2-31B F26, do Ý sản xuất. Chúng tôi bắt đầu triển khai các khâu chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt máy móc, các máy móc phụ trợ đi kèm, nhân lực tương ứng vào tháng 3-2017. Dự án hoàn thành vào tháng 5. Đến nay, máy đã đi vào hoạt động và tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu mong đợi của khách hàng về mỹ thuật, kỹ thuật.
Bà Sâm cho biết thêm, với máy CNC, hiện công ty Bảo Hưng sẵn sàng phát triển các thiết kế mới dựa theo nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và phát triển các thiết kế mới, sáng tạo hơn, nhằm tạo sự đa dạng cho sản phẩm, thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, theo xu hướng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi luôn đặt cam kết sẽ cung cấp sản phẩm với giá cạnh tranh, chất lượng tốt. Bên cạnh đó làm tốt công tác bảo vệ môi trường và chăm lo tốt đời sống công nhân.
Và sự đồng hành của ngành công thương
Khi chúng tôi hỏi về việc đầu tư cho đề án khuyến công ở Bảo Hưng, cũng như tiến độ đầu tư cho các đề án còn lại của năm 2017, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành gỗ đóng góp khá lớn cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhờ các DN đã nỗ lực trong việc xúc tiến thương mại, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm. Từ chỗ tập trung vào một số thị trường truyền thống và trung chuyển sang nước thứ 3 thì hiện nay sản phẩm gỗ của Bình Dương đã trực tiếp xuất khẩu sang các nước là thị trường khó tính. Công ty Bảo Hưng là một trong các công ty chế biến gỗ khá lớn có doanh số tăng cao trong mấy năm gần đây. Đặc biệt, công ty đã có chiến lược hợp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Còn về việc lựa chọn đề án, bà Hà cho biết: Nhìn chung, các đề án khuyến công vừa qua đều tiếp sức cho DN đầu tư máy móc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện chúng tôi đang xét duyệt các đề án còn lại của năm 2017 một cách kỹ lưỡng, chọn lựa đơn vị thực hiện đề án bảo đảm các tiêu chí đề ra: DN công nghiệp nông thôn hoạt động có hiệu quả, giải quyết lao động, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và phát triển bền vững.
Bà Đỗ Thị Bích Sâm, Công ty Bảo Hưng nói về hiệu quả thực tế của máy CNC được khuyến công hỗ trợ: Trước đây, khi chưa đầu tư máy CNC, công ty phải sản xuất sản phẩm bằng thủ công bằng một số máy móc thiết bị dụng cụ phụ trợ lạc hậu, nên sản phẩm thường xuyên bị sai sót, không đồng đều, không ổn định về chất lượng, năng suất không bảo đảm theo yêu cầu của đơn hàng về thời gian, tốn nhiều chi phí và lợi nhuận kém. Đồng thời phụ thuộc rất lớn về tay nghề, cũng như thời gian làm việc của người lao động.
Hiệu quả đầu tư máy CNC tạo hình, sản xuất sản phẩm gỗ ở Công ty TNHH Bảo Hưng thành công ngoài mong đợi. Hiện máy này đã tạo ra những sản phẩm có độ chính xác cao, ổn định về số lượng chất lượng, đạt yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, máy hoạt động tự động. Việc đầu tư này của Khuyến công Bình Dương đã góp phần nâng tầm thương hiệu Công ty Bảo Hưng trong tiến trình hiện đại hóa, tự động hóa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đạt hiệu quả kinh doanh cao.
Bà Phan thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN: Đề án của công ty Bảo Hưng xét về đối tượng ngành nghề và nội dung đề án đều phù hợp với nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định số 36/2015/QĐ UBND tỉnh Bình Dương ngày 7-9-2015: “Ưu tiên các chương trình đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thuộc ngành nghề truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu”, QĐ 1877/QĐ-UBND ngày 20-7-2016, của UBND tỉnhBình Dương về việc phê duyệt Chương trình Khuyến công đến năm 2020: “Đẩy mạnh công nghiệp ở khu vực nông thôn, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp, tăng mạnh công nghiệp chế biến các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tập trung đẩy mạnh công tác khuyến công về các huyện phía Bắc của tỉnh”.