Tiếp sức cho doanh nghiệp hỗ trợ ngành giày da
(BDO) Cùng với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng ngành giày da, vừa qua ngành công thương đã nỗ lực trong công tác hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp (DN) phụ trợ ngành giày da, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng trong lĩnh vực này.
Nghiệm thu đề án khuyến công tại Công ty TNHH MTV Long Hưng (TP.Thuận An)
Nắm bắt cơ hội vàng
Theo bà Phạm Thị Bích Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Hưng (TX.Thuận An), công ty trong tình hình dịch bệnh cũng giống như tình hình chung của cả nước, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Song Ban giám đốc công ty cũng rất nỗ lực tìm kiếm đơn hàng gia công, như: Hàng áo thể thao, nón, mặt giày... để duy trì tạo việc làm ổn định cho anh chị em công nhân viên đã cùng gắn bó với công ty trong điều kiện khó khăn.
Đến nay, DN đã nối lại chuỗi cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng về giày da, như: Nike, Adidas, NB, Lactose.... Các mặt hàng giày da chủ yếu xuất đi thị trường EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã được nối lại, DN đã và đang chạy đơn hàng để phát triển sản xuất, tận dụng cơ hội từ thị trường.
Trao đổi với chúng tôi về quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng, bà Hà chia sẻ Công ty TNHH MTV Long Hưng được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007 với lĩnh vực hoạt động chính sản xuất giày da, thêu tay, gia công thêu máy- Một trong những ngành nghề nổi bật trong lĩnh vực dệt may, giày da. Các dòng sản phẩm chủ đạo của công ty thêu trên các nguyên vật liệu về giày da. Với nhu cầu ngày càng tân tiến của thị trường, công ty đã không ngừng cải tạo và nâng cao dây chuyền sản xuất cùng trang thiết bị hiện đại. Vì vậy, với lợi thế hiện nay công ty có đủ tự tin đáp ứng được kỹ thuật trên tất cả các mặt hàng, không chỉ riêng giày da mà còn có thể áp dụng trên quần áo, mũ, ba lô, túi xách... Mỗi năm, sản lượng công ty đạt trên 5.000.000 sản phẩm. Với phương châm “Sự hài lòng của bạn là niềm kiêu hãnh của chúng tôi”, công ty luôn mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao, với giá thành hợp lý nhất.
Dự báo về thị trường và triển vọng của ngành công nghiệp hỗ trợ giày da, lãnh đạo công ty cho rằng động lực lớn nhất cho tăng trưởng của ngành chính là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8- 2020. Tuy vậy, để có thể tận dụng cơ hội từ hiệp định này nhằm gia tăng xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 DN thì có tới 85% DN hạn chế về vốn, kỹ thuật và công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Do đó, các DN da giày cần xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu đồng bộ, nhằm tận dụng được “cơ hội vàng” để phát triển.
DN bày tỏ, thời gian tới, các DN trong ngành cần đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo thành chuỗi sản xuất. Công ty Hưng Long mong muốn được hợp tác với nhiều DN khác trong ngành để không phải phụ thuộc quá nhiều vào vật tư nguyên liệu từ bên ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm “made in Việt Nam”.
Tiếp thêm sức mạnh
Đánh giá về hiệu quả đề án, bà Hà cho biết cùng với sự cố gắng của DN, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gia công giày, dép” cho Công ty TNHH MTV Long Hưng như tiếp thêm sức mạnh cho DN trong giai đoạn hiện nay. Đây thực sự là sự động viên và huy động các nguồn lực hỗ trợ công ty vượt qua tình hình khó khăn sau dịch bệnh. Đồng thời, sự hỗ trợ này khuyến khích công ty ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, giúp công ty gia tăng năng suất lên gấp nhiều lần.
Sau khi đầu tư máy thêu 20 đầu model BEKS-Y920, công suất 1 KW sẽ giúp công ty nâng cao được năng lực sản xuất, vì đây là những loại máy đặc thù quan trọng trong ngành may. Việc đầu tư này tạo tiền đề quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng, tính đồng đều, giảm thiểu sản phẩm lỗi, từ đó công ty có thể giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường. Trước đây khi chưa đầu tư máy thêu 20 đầu thì cần nhiều công nhân hơn, sản lượng chỉ dao động ở mức 800 sản phẩm/ máy, mỗi máy cần 3 công nhân. Sau khi được đầu tư máy mới thì năng suất đã được nâng lên trên 1.200 sản phẩm/máy, mỗi máy chỉ cần 2 công nhân. Không những vậy, khi được đầu tư máy 20 đầu ngoài nâng cao năng suất nhiều lần thì còn có thêm các công năng hữu ích, thêu được đa dạng các loại mặt hàng.
Máy thêu mới nhập sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến. Với máy móc này, công ty không chỉ thêu được các mặt hàng phổ thông, mà còn thêu các mặt hàng cao cấp hơn: Kim sa, kim tuyến… máy mới thêu được trên tất cả các sản phẩm: Quần áo, mũ, ba lô, giày dép...
Dự kiến sau khi đầu tư gần 4,5 tỷ đồng (vốn khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng), doanh thu, lợi nhuận ước đạt sau đầu tư tăng khoảng 30%. Với việc tăng năng suất và sản lượng, dự kiến cơ sở sẽ thu hồi vốn sau 5 năm đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ tăng nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và từ đó công ty bảo đảm đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Đồng thời giải quyết việc làm và bảo đảm chế độ tiền lương, ổn định đời sống cho người lao động.
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp, đề án đặt ra phù hợp với thực tế nhu cầu đơn vị thụ hưởng của địa phương, đúng với đối tượng xin hỗ trợ, ngành nghề và nội dung đề án với Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5- 2012 của Chính phủ về khuyến công. Sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ có ngành nghề kinh doanh là sản xuất giày dép từ Công ty TNHH MTV Long Hưng, trung tâm thực hiện xét duyệt đề án theo đúng nội dung đã quy định và thực hiện theo đúng tiến độ đề án đã đề ra.
Hiệu quả mang lại sau khi kết thúc đề án là rất thiết thực và khả thi, góp phần hỗ trợ DN đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết được việc làm cho lao động, tăng khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước do hiệu quả đề án mang lại. Trên thực tế, sự thành công của đề án sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng theo chủ trương của tỉnh. Đây là hoạt động thể hiện rõ nét vai trò của ngành công thương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị với công nghệ tiên tiến, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để bức phá trong hoạt động sản xuất. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong việc giúp DN tỉnh nhà hồi phục mạnh mẽ sau dịch bệnh Covid-19.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Chương I Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 20-12-2019 của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy chế về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương; khoản 1, Điều 5, Chương I Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28-3-2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công; khoản 1, Điều 5, Chương II Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công. |
TIỂU MY