Tiếp lửa đam mê nghề dạy học

Thứ hai, ngày 19/11/2018

(BDO) Lương thấp, công việc vất vả, nhiều áp lực, nhưng nhiều người vẫn chọn nghề giáo vì sự đam mê. Cũng nhờ sự đam mê này của các nhà giáo mà Việt Nam ngày càng có nhiều học sinh giỏi vươn tầm châu lục và thế giới, mang vinh quang về cho đất nước. Nếu không có sự đam mê nghề dạy học, sẽ không có chuyện sinh viên tốt nghiệp thủ khoa từ chối lời mời chỗ làm tốt để đi dạy; giáo sư, tiến sĩ từ chối vị trí lương cao để đến giảng đường. Tuy nhiên, không thể vin vào đam mê để duy trì đội ngũ nhà giáo, mà cần có sự thay đổi để tiếp lửa đam mê cho những người theo nghề dạy học.

Trong câu chuyện hàng ngày khi nói về nghề nghiệp, đây đó đã từng xuất hiện những câu nói vui “thầy giáo tháo giày”, “giáo chức dứt cháo” với ám chỉ đồng lương, đời sống vật chất của các thầy cô giáo còn rất thấp, đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học và mầm non, giáo viên vùng sâu vùng xa. Xã hội nhìn thấy, ngành giáo dục - đào tạo cũng thấy, nhưng lâu nay mức lương của giáo viên vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Lương thấp, công việc nhiều áp lực, nhưng để được tiếp tục sống với nghề đã chọn, không ít giáo viên phải dạy thêm, làm thêm nhiều việc ngoài giờ dạy học trên lớp để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê ngày ngày đến lớp.

Cùng với niềm đam mê của bản thân, những người theo nghề dạy học còn được tiếp lửa bằng truyền thống tôn sư song hành cùng chiều dài lịch sử dân tộc. “Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên” là những danh ngôn, thành ngữ được đúc kết từ truyền thống tôn sư của dân tộc, nhắc nhở mọi người về công lao của thầy, trọng thầy, biết ơn thầy. Tiếp lửa đam mê nghề dạy học còn là sự đỗ đạt, thành công của học trò. Trong cuộc đời ai cũng có thầy. Sự thành công của một con người trên bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có công lao dạy dỗ của thầy. Kết quả “đơm bông kết trái” của quá trình giảng dạy là liều thuốc quý giúp người thầy quên hết những khó khăn về vật chất để tiếp tục song hành với sự nghiệp trồng người.

Xã hội trân quý, phụ huynh trọng thầy là chưa đủ để nuôi dưỡng niềm đam mê của các thầy cô giáo và tiếp lửa cho thế hệ trẻ theo nghề dạy học. Vòng xoáy cơm, gạo, áo, tiền khiến niềm đam mê dạy học của nhiều giáo viên giảm dần theo năm tháng. Trong số đó, không ít người phải từ bỏ đam mê bởi không thể sống được với nghề! Không ít sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường phải theo nghề khác! Mặc dù đã có nhiều hội nghị, hội thảo của nhiều cấp, nhiều ngành liên quan về việc nâng mức lương cho giáo viên, nhưng do nguồn ngân sách có hạn, trong khi đội ngũ nhà giáo ngày càng phình ra, nên việc tăng lương, cải thiện đời sống cho giáo viên đến nay vẫn là bài toán khó!

Nuôi dưỡng niềm đam mê dạy học của các thầy cô giáo, tiếp lửa để thế hệ trẻ theo nghề dạy học là cần thiết trong bối cảnh xã hội đang tiến dần tới nền kinh tế tri thức hiện nay. Không có giáo viên giỏi nghề, tâm huyết, sẽ không có nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế tri thức. Cải thiện mức lương nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên là việc phải làm để giáo viên tiếp tục theo nghề, để thế hệ trẻ tiếp nối nghề dạy học.

LÊ QUANG

Từ khóa: