Tiếp bước truyền thống hào hùng cùng các anh - Bài cuối
(BDO) Bài cuối: Đau đáu một niềm tin
Vì nền độc lập tự do của dân tộc, nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Họ mất đi nhưng tinh thần yêu nước luôn sáng ngời. Ngày nay, công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được chú trọng để tri ân công lao to lớn đó, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của các anh.
Chú Nguyễn Văn Hạnh (đội nón), bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng cùng LLTK vẫn quyết tâm đưa các anh về nơi an nghỉ để tỏ lòng tri ân Ảnh: SONG ANH
Vẫn luôn tìm kiếm
Trời mưa nhẹ, từ UBND xã Định An, huyện Dầu Tiếng chúng tôi ngược đường về bãi cát trắng, ấp An Lộc, lô 73, Nông trường Trần Văn Lưu. Nơi đây từng là khu vực chôn cất một số thi hài liệt sĩ của Trung đoàn 165, Sư 7, Quân đoàn 4. Để đến được địa điểm, xe chúng tôi vượt qua hơn 5km đường đất ngoằn ngoèo, vắng người qua lại. Qua nhiều khúc cua trơn trượt sau những cơn mưa mùa hè, cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi. Thấp thoáng trong rừng cây cao su, lực lượng tìm kiếm (LLTK) hài cốt liệt sĩ đang rất chú tâm dò qua từng mét đất tiến hành đào bới địa điểm được đánh dấu, nghi ngờ có khả năng có hài cốt liệt sĩ.
Không khí làm việc khẩn trương và đầy trách nhiệm, 20 chiến sĩ người nhễ nhại mồ hôi tỉ mỉ xúc lên từng khối đất. Mỗi người một việc với quyết tâm cao nhất, mong tìm lại các anh để đưa các anh về với gia đình. Nhìn cách những chiến sĩ trẻ chú tâm vào việc đào đất tìm hài cốt liệt sĩ mới thấy sự tôn trọng mà họ dành cho những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Chú Nguyễn Văn Hạnh, bộ đội biệt động huyện Dầu Tiếng, nhân chứng lịch sử kể lại: “Hồi ấy, nơi đây gọi là vành đai trắng (hay bãi cát trắng) với những bụi mây mọc ngang đầu gối. Là người địa phương được nhận nhiệm vụ đóng chốt ở khu vực này nên tôi chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh. Lô 73 này có khoảng 10 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 165, Sư 7, Quân đoàn 4 chôn cất tại đây. Họ hy sinh sau trận chống càn của địch, kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Sau hơn một ngày cật lực, 15 vị trí nghi vấn đã được LLTK đào bới nhưng vẫn chưa tìm được. 13 giờ 30 phút ngày 20-7, LLTK phát hiện có dấu vết hài cốt ở vị trí số 9 nằm giữa lô 73. Thiếu úy Trần Chí Dũng, Trợ lý Ban Chính sách phòng chính trị, Bộ CHQS tỉnh là người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cho biết: “Trước đây, khu vực này là đất cát nhưng thực tế hiện trường là đất trộn giữa đất cát và đất thịt. Chúng tôi đã tiến hành đào hết phần đất trộn với chiều sâu khoảng 40 - 50cm thì phát hiện hình dáng xương cánh tay của liệt sĩ đã bị phân hóa”. Đang mở rộng phương án tìm kiếm thì trời đổ mưa, các chiến sĩ hối hả căng bạt che mưa bảo vệ hiện trường nhưng mưa lớn, nước đổ xối xả gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Mưa tạnh, trời tối LLTK đành ra về. Sáng hôm sau, các chiến sĩ trong lực lượng dùng thùng 25 lít múc nước lên để tiếp tục tìm kiếm nhưng hiện trường đã bị xóa sạch, dấu vết không còn nhưng họ vẫn kiên trì làm lại gần như từ đầu. Hết địa điểm này tới địa điểm khác, không ngại khó khăn vất vả, trời mưa hay nắng họ vẫn luôn miệt mài, kiên trì tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Hạnh phúc khi các anh được trở về…
Những ngày qua, theo chân cùng LLTK, chúng tôi cũng đã học được rất nhiều bài học đắt giá từ hai chú Huỳnh Trung Hiếu và Nguyễn Văn Hạnh. Họ xem chiến tranh là nỗi đau và cần phải có trách nhiệm nên tranh thủ những lúc còn khỏe mạnh để tìm được người nào hay người nấy. Hai chú vẫn đang rất lo thời gian qua mau, trên 50 xương cốt của các anh sẽ hóa đất, hóa cát không còn dấu vết để kịp đưa được anh em về.
Thiếu tá Lê Ngọc Hà, Trưởng ban Chính sách Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Bắt đầu từ ngày 19-7 LLTK hài cốt liệt sĩ bắt tay vào công tác tìm kiếm tại 3 xã Định An, Định Hiệp, Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. Công tác này vô cùng quan trọng, không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà còn giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Các anh đã hy sinh cho Tổ quốc thì thế hệ hôm nay phải có trách nhiệm và nghĩa vụ để các anh được an nghỉ...”. |
Chú Nguyễn Văn Hạnh, một người con của vùng đất Dầu Tiếng anh hùng này đã tham gia cách mạng khi còn rất nhỏ. Bao chiến công về cuộc chiến có lẽ là không ít. Thế nhưng, chú không muốn nói nhiều về mình mà trong câu chuyện chú kể rành mạch từng đồng chí mà chú đã tận tay đưa họ về với gia đình, với nơi an nghỉ có người hương khói. Đó là hạnh phúc vỡ òa! “Thương lắm những người con ở tận ngoài Bắc, sẵn sàng chi viện cho miền Nam ruột thịt khi tuổi mới chỉ 18, đôi mươi. Và họ đã ra đi mãi mãi không hẹn ngày về. Xót xa lắm nên trong quá trình tìm kiếm có lẽ hạnh phúc nhất là thấy được cảnh đoàn viên của gia đình trong những trường hợp như thế…”, chú Nguyễn Văn Hạnh tâm sự.
Lần theo những địa chỉ như thế, chúng tôi cũng có được các câu chuyện sum họp đầy nước mắt. Đó là chàng thanh niên Lê Văn Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội đầu quân cho Sư đoàn 8 vào chiến trường miền Nam năm 1974. Và lần ra đi đó là chia tay mãi mãi của anh với gia đình. Lê Văn Thái đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Dầu Tiếng này. Qua bao ngày tìm kiếm, gia đình cũng tìm được anh nhờ một phần công sức của chú Nguyễn Văn Hạnh. Cô Lê Thị Hòa, anh trai của liệt sĩ Lê Văn Thái nói: “Không lời nào có thể diễn tả được sự hạnh phúc của hơn 40 năm tìm kiếm. Đó cũng là cái duyên, cái may mắn khi chúng tôi gặp được chú Hạnh, việc làm của chú đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm kích…”.
Còn rất nhiều người đã được đưa về đoàn tụ đầy hạnh phúc như thế nhưng cũng có những trường hợp tìm được chính xác người thân bằng chính việc làm của chú Nguyễn Văn Hạnh. Vậy là họ quyết định để người thân ở lại miền Nam cùng với đồng đội của mình và thường xuyên tới thăm. Những lần thăm ấy cũng chính là về thăm lại chú Nguyễn Văn Hạnh như một sự báo đáp chân thành nhất từ phía gia đình.
Trong chuyến đi, chúng tôi vô cùng cảm kích “chàng” xạ thủ ĐKZ Huỳnh Trung Hiếu ngày nào. Nhìn chú, chúng tôi không khỏi xót xa qua 5 lần bị thương và những mảnh đạn vẫn còn nguyên vẹn trong người. Vậy mà, bao câu chuyện của chú chỉ làm chúng tôi hình dung sự hùng dũng của quân và dân ta trong những trận đánh để giành lại sự tự do cho quê hương. Ở cái tuổi 73 này, chú Trung Hiếu vẫn sẵn sàng “đánh xe” từ Vĩnh Long về tận Dầu Tiếng với hy vọng kiếm tìm cho bằng được anh em về với gia đình để được khói hương.
Không một tổ chức, chú Hiếu và chú Hạnh giờ như cặp “bài trùng” đang cố hết sức lực để tìm kiếm đồng đội. Có những lúc, lời ra tiếng vào chính vợ chú cũng khuyên ngăn. Chú giải thích: “Trong 23 người cùng ra đi của Vĩnh Long ngày nào, chỉ còn mình tôi trở về, vậy là mình được nhiều lắm chứ, được hưởng thụ hơn 40 năm, được con đàn, cháu đống, đồng chí mình ngã xuống đã được gì đâu…”. Vậy là chú lại tiếp tục lên đường vì lương tâm, vì đồng đội. Em Ngô Văn Chiến, một chiến sĩ trẻ của lực lượng dân quân thường trực xã Định An, huyện Dầu Tiếng nói: “Đành rằng các chú không trách thế hệ trẻ trong việc tìm kiếm các anh, nhưng qua sự đồng hành cùng các chú, chúng tôi cũng thấy mình thêm trách nhiệm, cố gắng tranh thủ để các chú luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ trong quá trình gìn giữ hòa bình hôm nay…”.
Chúng tôi xin mượn tâm sự của em Ngô Văn Chiến để nói với các chú là thế hệ trẻ vẫn tiếp tục đồng hành, tiếp tục cùng ra sức gìn giữ quê hương xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các chú, các anh…
KIM HÀ - SONG ANH