Tiếp bước truyền thống hào hùng cùng các anh – Bài 2

Thứ bảy, ngày 23/07/2016

(BDO) Bài 2: Những người con ưu tú

Mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, họ lên đường phụng sự Tổ quốc chẳng ngại gian lao. Những người lính đảo năm xưa được tôi rèn ý chí kiên cường vượt qua mọi chông gai thử thách. Những người con của Bình Dương cũng đã góp một phần công lao của mình vào nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Ngày nay, khi trở về đời thường, họ lại là những tấm gương làm kinh tế giỏi để khẳng định lòng nhiệt huyết vì Tổ quốc không bao giờ nhạt phai.

Ký ức Gạc Ma

Trong những ngày tháng 7 - tháng đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi tìm gặp chú Trần Văn Phước, ở khu phố 7, phường Hiệp An, TP.TDM để được nghe chú kể lại những ngày tháng oai hùng của người lính đảo. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được ý chí, tinh thần chống giặc ngoại xâm của chú qua lời kể vô cùng khúc chiết.

Cuốn hút vào câu chuyện, hiển hiện lại trong đầu chúng tôi hình ảnh đảo Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Khi thủy triều lên, Gạc Ma là cồn đá chìm nhưng khi thủy triều xuống thì thấy những mỏm đá mấp mô. Nơi đây, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Hải quân Công binh đã từng đóng quân xây dựng và bảo vệ đảo.

Chú Phước kể: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 30-7- 1979, theo tiếng gọi quê hương, lớp thanh niên Bình Dương hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc tới đảo Gạc Ma. Từ Thị đội Thủ Dầu Một, chúng tôi đi xe đò xuống Sài Gòn và ngủ tại đây một đêm. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường ra cảng Cụt (Cam Ranh). 6 tháng huấn luyện trong môi trường quân ngũ, chúng tôi lên tàu ra đảo. Lúc ấy, nhiệm vụ của anh em trong Trung đoàn 83 Hải quân Công binh là xây dựng và bảo vệ đảo. Tôi làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc men, cát đá, xi măng từ đất liền đưa ra. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 - 2 tháng. Hồi đó tàu còn nhỏ, cuộc sống của anh em lính đảo thiếu thốn trăm bề, nhất là rau xanh. Phần lớn nhu yếu phẩm từ đất liền gửi ra chủ yếu là bí đỏ, thiếu rau xanh nên có những đồng đội bị bệnh táo bón kéo dài hàng tháng trời”.

Nói về cuộc sống khó khăn của người lính đảo, chú Nguyễn Văn Long, ở khu phố 7, phường Hiệp An, TP.TDM vẫn còn nhớ mãi cuộc sống khắc nghiệt ấy. Giọng kể chầm chậm, chú Long cho biết: “Năm 1979, tôi và một số anh em khác ở Bình Dương nhập ngũ tại Trung đoàn 83 Hải quân Công binh đóng ở vịnh Cam Ranh. Nhiệm vụ của tôi là đổ bê tông cốt thép thành những trụ hình chữ L để cắm cờ bảo vệ chủ quyền đất nước.

 

Chú Trần Văn Phước (phải) và chú Nguyễn Văn Long đang ôn lại ký ức hào hùng của người lính đảo. Ảnh: K.HÀ

Các tháng 2, 3 và 4, chúng tôi mới ra đảo và lưu lại từ 1 - 2 tháng. 2 năm không thấy bóng dáng người dân. Cuộc sống trên đảo khó khăn trăm bề, thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống anh em lính đảo thiếu nước ngọt, rau xanh. Mỗi tháng đơn vị cấp cho mỗi người 21 ký gạo, nước ngọt được phân phát theo tiêu chuẩn và phải uống chắt chiu từng ngụm một. Anh em trong đơn vị quý nước như quý vàng nên mỗi lần tắm chỉ lấy khăn ướt thấm lên người”.

Hành trang của người lính đảo chỉ vỏn vẹn 2 bộ đồ được để trong chiếc ba lô bạc màu vì nước biển nhưng hơn hết vẫn là tinh thần quả cảm, kiên cường của người lính nơi biên thùy Tổ quốc.

Trong quãng thời gian gần 4 năm là người lính đảo, chú Long, chú Phước đã làm tròn trách nhiệm của mình là một người lính đảo. Ước mơ hoài bão của tuổi trẻ tạm gác lại, nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn canh cánh bên lòng. Xen lẫn trong dòng ký ức hào hùng của người lính đảo, chú Trần Văn Phước vẫn còn nhớ mãi kỷ niệm cùng đồng đội nghe hát trên biển: “2 năm không nhìn thấy người dân nên khi có đoàn ca múa nhạc ra phục vụ anh em rất phấn khởi. Cả trung đội im phăng phắc khi nghe giọng hát của cô ca sĩ vang lên bài hát Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long: “Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi!/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển…”, khiến cho các chiến sĩ không cầm được nước mắt, cảm động đến nghẹn lòng: “Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Lời hát giữa biển khơi da diết đến muôn trùng là động lực thôi thúc các anh làm tròn nghĩa vụ của người con đối với quê hương đất nước.

Vượt khó làm giàu

Từ những người lính đảo lăn lộn trong chiến trường thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn, trở về cuộc sống đời thường họ lại là người lính chiến đấu trên mặt trận kinh tế. Được biết, những năm 1985, cuộc sống của chú Trần Văn Phước và chú Nguyễn Văn Long khó khăn lắm. Như bao anh bộ đội khác, phục viên trở về với hai bàn tay trắng nhưng ý chí, nghị lực của người lính đã thôi thúc họ quyết tâm xây dựng kinh tế trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Chú Trần Văn Phước kể: “Tôi đến với nghề ván lạng như mối lương duyên. Từ một người lính đảo chỉ quen với biển dập sóng dồn, trở về đời thường xây dựng kinh tế mới thấy khó khăn, vất vả. Xuất ngũ tôi được phân về lái xe cho Trại heo 1-5. Trải qua nhiều nghề tôi quyết định gắn bó với nghề này”. Nhiều lúc khó khăn, bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua nhưng ý chí người lính đã giúp chú thành công. Năm 2002, Công ty TNHH Thành Thái do chú Phước làm chủ được thành lập với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản xuất ván lạng, ván ép, trang trí nội thất bằng gỗ. Hiện công ty đang thực hiện chiến lược mở rộng hợp tác kinh doanh. Doanh thu hàng năm của công ty đạt từ 5 - 6 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Công ty có khoảng 60 công nhân lao động kỹ thuật có tay nghề biết sử dụng thành thạo máy móc công nghệ hiện đại. Mức lương bình quân cho lao động phổ thông của công ty đạt 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra công ty còn thực hiện các chế độ chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho công nhân. Nói về sự thành công của mình, chú Phước từ tốn cho biết: “Tôi vẫn đang cố gắng để tiếp tục với công việc của mình. Những gì tôi có được như hôm nay đó chính là nhờ vào tinh thần, bản chất anh bộ đội Cụ Hồ đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ”.

Và cũng nhờ tinh thần vượt khó nên ở khu phố 7, phường Hiệp An, TP.TDM ai cũng trầm trồ khen ngợi và khâm phục chú Nguyễn Văn Long. Xuất ngũ trở về, chú Long theo nghiệp truyền thống gia đình là nghệ nhân sơn mài. Gia đình nghèo khó, chú Long bươn chải nhiều nghề để kiếm sống. Ngoài công việc chính là sơn mài, chú Long còn cùng vợ trồng rau, trồng măng, nuôi gà vịt để kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Chú Long tâm sự: “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn. Cuộc sống hàng ngày của gia đình chỉ dựa vào nghề làm nông là chính. Vì vậy, quanh năm gia đình cứ phải chạy ăn từng bữa”. Quyết tâm thoát nghèo, chú vay mượn từ anh em trong gia đình để làm kinh tế. Tích lũy một thời gian được số vốn kha khá, chú Long quyết định đầu tư làm nhà nuôi yến với quy mô 2 tầng, tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ chịu khó làm ăn nên đến nay kinh tế gia đình chú Long tương đối khá, gia đình hạnh phúc, con cháu hiếu thảo.

Bài 3: Bót Cầu Định - Ghi dấu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Chí Quốc

KIM HÀ