Tiếng hát át tiếng bom và một thời để nhớ

Thứ hai, ngày 13/04/2015

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, song ký ức về những năm tháng gian lao, ác liệt nhất, những giây phút “cận kề cái chết” dường như vẫn còn in rõ trong tâm trí của những người từng tham gia chiến tranh. Cuộc đấu tranh của những người làm việc trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật thời chiến cũng không kém phần ác liệt. Họ đã dùng lời ca, tiếng hát của mình như một vũ khí trước kẻ thù. Cô Nguyễn Thị Phương Dung - cô văn công năm nào của Chiến khu Đ là một điển hình cụ thể.

(BDO)

 Cô Nguyễn Thị Phương Dung (bìa phải) trong liên hoan tiếng hát người cao tuổi do Đài PT-TH Bình Dương tổ chức

 Tại Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), cái tên Phương Dung chẳng còn xa lạ với mọi người. Nhiều năm qua, cô đã đưa sự sẻ chia, tấm lòng nhân ái của mình đến với nhiều cảnh đời khó khăn, xem đây như cách để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.

Trò chuyện với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề trong những ngày tháng 4 lịch sử này, ký ức của cô Phương Dung về những năm tháng chiến tranh bất chợt ùa về, đầy ắp trong giọng nói, trong ánh mắt của cô. Năm mới 13 tuổi, vì đam mê ca hát, cô bé Phương Dung đã bỏ học, trốn nhà theo các anh chị đi phục vụ bộ đội. Đầu tiên, cô tham gia Đoàn Văn công Phú Giáo, rồi Phước Thành, sau đó về Đoàn Văn công Phân khu 5 đóng tại Chiến khu Đ anh hùng. Có sẵn năng khiếu, lại rất dũng cảm, Phương Dung được cấp trên cử đi học lớp ca múa nhạc tại R trong 2 năm. Sau khi hoàn thành khóa học, cô quay lại đơn vị, sát cánh cùng đồng đội chiến đấu trên mặt trận nghệ thuật.

Năm 16 tuổi, ngoài nhiệm vụ của một nữ văn công, Phương Dung còn kiêm luôn vai trò của nữ y tá đắc lực cho đơn vị. Giữa lúc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất, cô sẵn sàng cùng đồng đội nhận nhiệm vụ ra ấp chiến lược tại Bình Cơ, Bình Mỹ, Nhà Đỏ - Bông Trang… để tìm lương thực, gạo, thuốc cứu đói cho đơn vị. Cô kể, ngày ấy có khi cả tháng đơn vị chỉ ăn cháo trộn bằng rau tàu bay, rau chạy… để cầm hơi mà chiến đấu. Có những hôm, những hạt gạo cuối cùng cũng cạn. Khi đó, rừng cây thù đù đâm chồi sau trận mưa bom B52 của Mỹ đã cứu đói cho đồng đội mấy ngày liền. Dù gian lao, vất vả như vậy, song những đồng đội luôn động viên nhau. Họ đã dũng cảm chiến đấu đến cả hơi thở cuối cùng, trong những lúc ranh giới giữa sống và chết tưởng chừng chỉ còn tày gang.

Trong dòng hồi tưởng này, giọng cô Dung như lạc đi khi kể về những khoảnh khắc phải nhìn đồng đội hy sinh trong những trận càn. Khi bom đạn đã tạm lắng, họ lại lao vào tìm thi thể của đồng đội để chôn cất. Nhưng có khi thi thể cũng chẳng tìm thấy...

Hòa bình lập lại, cô Phương Dung tạm lui về đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm hậu phương vững chắc để giúp chồng yên tâm công tác. Những năm gần đây, khi con cái đã khôn lớn, cô Phương Dung tiếp tục quay lại tham gia công tác xã hội, mong góp sức mình vì cộng đồng. Cái tâm hướng thiện và những năm tháng rèn luyện ý chí từ chiến trường đã giúp cô vượt qua khó khăn, trở ngại để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chỉ trong khoảng vài tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, cô Dung đã nhận 2 cuộc điện thoại, xin tự nguyện hiến máu nhân đạo. Gương mặt cô như tỏa sáng hơn bởi niềm hạnh phúc. Công việc của cô trên mặt trận thời bình đã được mọi người hiểu, đón nhận và chia sẻ..

 SONG ANH