“Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”

Thứ năm, ngày 12/05/2016

(BDO) Đây là chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5-6-2016 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà công bố, nhằm hưởng ứng Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động.

Các em học sinh tiểu học ở TP.Thủ Dầu Một ký tên bảo vệ động vật hoang dã trong gian hàng “Em yêu động vật” của Ngày hè xanh nhân ngày phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6

Chủ đề thiết thực này một lần nữa nhằm truyền cảm hứng cho nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới. Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2016, từtháng 5 đến hết tháng 6, từTrung ương đến địa phương ngoài đồng loạt tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng, còn tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24- NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên vàbảo vệmôi trường; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ rừng; các văn bản pháp luật vềbảo vệmôi trường đến đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân.

Theo đó, trong thời gian này, các địa phương sẽ tổ chức hoạt động phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến bảo vệmôi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, lên án các hành động buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng sản phẩm thân thiện, tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn bán động, thực vật hoang dã; vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…

Tổ chức ngày hội ra quân thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thả động vật hoang dã về rừng; các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; các hoạt động tái chế, ngày hội sống xanh, thi làm sản phẩm tái chế…; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước…

Phát hiện, biểu dương và khen thưởng để động viên kịp thời những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường bảo tồn đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng vì bảo vệ môi trường khác như: các chương trình giáo dục môi trường, giáo dục bảo tồn cho cộng đồng; tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm tại địa phương; khánh thành, bàn giao các công trình bảo vệ môi trường...

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thếgiới do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) phát động được Việt Nam tổ chức từ năm 1982, đến nay đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cảnước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

 

 P.V