NHẬT KÝ CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 1975
Tiến về Sài Gòn
(BDO) Giải phóng Phú Yên
Cách đây tròn 40 năm, ngày 1-4- 1975, quân và dân Phú Yên phối hợp với bộ đội chủ lực Sư đoàn 320 đồng loạt tiến công và nổi dậy, mở trận quyết định giải phóng TX.Tuy Hòa.
Quân đoàn 2 tiến vào Nha Trang - Khánh Hòa Ảnh: T.LIỆU
8 giờ sáng 1-4-1975, ta đánh chiếm và làm chủ toàn bộ TX.Tuy Hòa, ngọn cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phất phới trên đỉnh tháp Nhạn. Đến 11 giờ ngày 1-4-1975, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân Phú Yên đã làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng toàn tỉnh Phú Yên, mở ra thời cơ mới và cục diện mới trên chiến trường miền Nam Việt Nam…
V.H
Sau khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi ngày 29- 3-1975, ngày 1-4-1975, Sư đoàn 320A tiến quân theo đường số 7, cùng lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải phóng thị xã Tuy Hòa. Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 bộ binh tiêu diệt cụm phòng thủ của Trung đoàn 40 (Sư đoàn 22 ngụy), giải phóng quận lỵ Khánh Dương, tiêu diệt Lữ đoàn 3 (Sư đoàn dù) ở đèo Phượng Hoàng mở thông đường xuống Ninh Hòa rồi theo đường số 21 tiến xuống giải phóng Nha Trang và quân cảng Cam Ranh ngày 3-4-1975. Đến đây, các tỉnh ven biển Trung bộ được hoàn toàn giải phóng.
Để động viên lực lượng cả nước, quyết giành thắng lợi nhanh chóng và hoàn toàn cho chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường, giao cho hai ủy viên Bộ Chính trị: đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Ba đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ được cử làm đại diện của Bộ Chính trị tại mặt trận. Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn - Gia Định do Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy; các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Phó tư lệnh (ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Phó tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Phó Chính ủy).
Nghị quyết của Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất (trong tháng 4) được quán triệt nhanh chóng đến toàn dân, toàn quân, cả nước bừng bừng khí thế ra trận.
Từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội), các đoàn tàu hỏa chở đầy bộ đội và vũ khí, đạn dược chạy thẳng vào Vinh, từ đó ô tô và tàu thủy chuyển tiếp bằng đường biển và đường bộ vào miền Đông Nam bộ.
Từ các sân bay trên miền Bắc, các loại máy bay vận tải, máy bay lên thẳng, kể cả một số máy bay chở khách được huy động chở quân, chở đạn, chở sách báo, phim ảnh vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định và các vùng mới giải phóng.
Trên tuyến đường bộ, xe vận tải vào đến Đông Hà (Quảng Trị) thì tỏa ra hai ngã. Một ngã tiến thẳng theo đường số 11 qua các thành phố Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… vừa được giải phóng. Một ngã theo hai đường đông và tây Trường Sơn rồi theo đường số 14 qua Đức Lập và Đồng Xoài vào các vị trí tập kết ở miền Đông Nam bộ.
Quân đi như nước chảy. Xe ô tô, tàu hỏa, máy bay, tàu biển hầu như chỉ nhằm một hướng: Sài Gòn.
Riêng tại Bình Dương, Chiến khu Đ luôn được xác định là căn cứ chiến lược của cả miền Đông Nam bộ. “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Đó luôn là nỗi ám ảnh đối với Mỹ - ngụy. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân huyện Tân Uyên đã liên tục đấu tranh không những để tự giải phóng mình mà còn góp phần xây dựng và bảo vệ căn cứ. Đến khi chiến dịch đường 14, Phước Long giành thắng lợi, căn cứ Chiến khu Đ đã được mở rộng và hoàn chỉnh về phía tây và tây bắc giáp với Bình Long và biên giới Campuchia. Mở rộng Chiến khu Đ, ta đã củng cố và hoàn chỉnh thế chiến lược liên hoàn từ Bắc vào Nam, từ rừng núi Trị Thiên đến Tây nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Chiến khu Đ đã thực sự thành một hậu phương lớn và trực tiếp của miền Đông Nam bộ, nơi tiếp nhận, triển khai binh khí, kỹ thuật và cơ sở vật chất từ Trung ương xuống các chiến trường; đồng thời nó là một bàn đạp để các binh đoàn chủ lực tiến công vào hang ổ đầu não địch ở Sài Gòn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Huyện ủy Tân Uyên, Phú Giáo, nhanh chóng tăng cường các cấp ủy về cơ sở, củng cố bộ đội địa phương cùng du kích và cơ sở mật tiến hành công tác binh vận, tuyên truyền diệt ác phá kìm, chuẩn bị đón lực lượng chủ lực và nổi dậy giành quyền làm chủ giải phóng xã ấp.
Các đoàn hậu cần 814, 235, 770, hậu cần quân khu nhanh chóng đón nhận và vận chuyển lương thực, khí tài từ nam Tây nguyên về trung tâm Chiến khu Đ ở Mã Đà, Vĩnh An. Từ hậu phương tại chỗ Chiến khu Đ, các đoàn xe ô tô vận tải, xe thồ, các bến phà hoạt động liên tục, chuyển nhanh vật chất về các chiến trường phía đông chuẩn bị cho đòn quyết chiến chiến lược tiến công vào Sài Gòn. (Còn tiếp)
HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)