Tiến tới loại trừ bệnh phong theo quy mô cấp huyện, xã

Thứ tư, ngày 28/09/2016

Sau nhiều năm thực hiện dự án phòng chống phong (phát hiện, điều trị, phòng chống khuyết tật), đến năm 2007, Bình Dương đã được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh theo Thông tư 17 của Bộ Y tế. Trong những năm qua, chương trình chống bệnh phong luôn duy trì và đạt được kết quả sau loại trừ quy mô cấp tỉnh và dần tiến tới loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.

(BDO)

 Trao nhà tình thương cho BN phong ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo do Doanh nghiệp điện máy Trung Thảo tài trợ

 Năm 2015, đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện ở TX.Tân Uyên và đến năm 2016 sẽ tiến tới loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, mạng lưới phòng chống phong luôn được duy trì và củng cố, cán bộ phụ trách theo đuổi công việc một cách tận tụy, nhiệt tình. Kết quả tỷ lệ lưu hành, phát hiện, bệnh nhân (BN) khuyết tật ngày càng có chiều hướng giảm dần. Hàng năm, số lượng người được khám phát hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao. BN phong được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và giảm thiểu tối đa di chứng khuyết tật.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Trưởng khoa Da liễu, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện đang quản lý 48 BN phong, trong đó có 24 BN phong bị khuyết tật (lỗ đáo, cụt rụt ngón tay, ngón chân, chân lết). 100% BN phong sống hòa nhập với cộng đồng, không bị phân biệt đối xử, con em BN phong đều được đến trường. Trong đó có 2 BN phong được Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây nhà tình thương.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng được quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, duy trì liên tục sâu rộng hàng năm qua kênh phát thanh, truyền hình, báo chí, panô, áp phích, tờ rơi về bệnh phong đến với cộng đồng. Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh phong cũng được tuyên truyền rộng rãi trong các trường THCS bằng nhiều hình thức sinh hoạt dưới cờ, các buổi học ngoại khóa. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trong ban ngành, đoàn thể thông qua các cuộc họp tổ dân phố... Bác sĩ Cúc cho biết thêm, để bảo đảm công tác chăm sóc khuyết tật, phục hồi chức năng BN phong, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội đã được sự giúp đỡ của Bệnh viện Da liễu TP.Hồ Chí Minh thường xuyên tiếp nhận và điều trị miễn phí cho những BN phong có chỉ định phẫu thuật, đồng thời hỗ trợ kinh phí đi lại cho mỗi bệnh nhân 1 triệu đồng…

Tuy nhiên, sự kỳ thị về bệnh phong trong cộng đồng đối với người bệnh và gia đình của họ vẫn còn. Do đó, công tác truyền thông ngày càng được duy trì và củng cố nhằm nâng cao kiến thức của người dân về bệnh phong trong cộng đồng, từ đó sự kỳ thị đối với BN phong ngày càng được cải thiện và bệnh phong không còn là một trong chứng bệnh nan y nữa. “Đa số người mắc bệnh phong là người nghèo. Dù đã cố gắng hết sức để truyền thông, nhưng họ ít để ý đến bệnh do phải kiếm sống nuôi gia đình. Hơn nữa, thời gian ủ bệnh kéo dài, đến khi phát hiện thì triệu chứng đã rõ, nên việc điều trị gặp ít nhiều khó khăn”, bác sĩ Cúc chia sẻ.

Năm 2007, Bình Dương đã được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh. Dựa vào 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện (theo Thông tư 17 của Bộ Y tế), trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành <0,2/10.000 dân; 100% BN phong khuyết tật được chăm sóc và phục hồi chức năng; 100% BN phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị; 100% BN phong nghèo khuyết tật có nhà ở. Năm 2015, đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện ở TX.Tân Uyên. Theo kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, hiện nay 8/8 huyện, thị, thành phố; 10/30 xã, phường đã xây dựng kế hoạch loại trừ bệnh phong và thành lập Ban chỉ đạo. Dự kiến sẽ tổ chức kiểm tra, tổng kết công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện sẽ diễn ra vào ngày 20 và 21-10 tới.

HUỲNH THỦY