Tiến tới loại trừ bệnh phong
(BDO) Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng dai dẳng do nhiễm vi khuẩn phong. Vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium Laprae (hay còn gọi là trực khuẩn Hansen, bởi do nhà bác học Na Uy tên Armauer Henrik Hansen tìm ra năm 1873).Vi khuẩn phong gây những thương tổn chủ yếu đối với da và thần kinh ngoại biên. Đường lây của vi khuẩn là qua vết trầy xước trên da, qua niêm mạc do hít phải những giọt nhầy mũi có chứa nhiều vi khuẩn.
Bệnh không gây chết người nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể để lại những khuyết tật, di chứng trầm trọng. Chính những khuyết tật này làm người ta sợ hãi và xa lánh người bị bệnh phong. Bệnh phong rất khó lây vì vi khuẩn phong tăng sinh rất chậm trong cơ thể, chu kỳ sinh sản 13 - 15 ngày, để lây lan được cần một lượng lớn vi khuẩn phong đào thải từ những bệnh nhân phong thể u chưa được điều trị và các vi khuẩn này đột nhập qua da xây xát vào cơ thể, nếu cơ thể không có sức đề kháng với vi khuẩn mới có khả năng bị bệnh. Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh hơn người lớn, lứa tuổi mắc nhiều nhất là 10 - 25, nam mắc nhiều hơn nữ.
Bệnh phong có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, nhưng có 2 dạng chính: là dạng phong củ và dạng phong u, từ mỗi dạng này lại chia ra nhiều thể khác nhau nữa. Cả 2 dạng đều gây tổn thương da và thần kinh nhưng thường dạng phong u gây những tổn thương nặng nề hơn. Dấu hiệu sớm của bệnh là xuất hiện những mảng thay đổi màu sắc da (dát trắng, dát hồng, dát thâm), kèm mất cảm giác đau, nóng lạnh, sờ mó (hay gặp trong thể phong bất định). Các thể muộn hơn xuất hiện trên da các củ có thể sắp xếp thành đám, mảng ranh giới rõ rệt, bờ nổi cao lên mặt da, trung tâm lõm xuống hoặc lên sẹo (thường gặp trong phong củ). Ngoài thương tổn da có thể có viêm dây thần kinh ngoại biên và các biểu hiện do tổn hại chức năng. Các dây thần kinh hay bị viêm bao gồm: thần kinh cổ nông, thần kinh trụ, thần kinh giữa, thần kinh quay, thần kinh hông khoeo ngoài, thần kinh chày sau. Viêm dây thần kinh dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh như: mất cảm giác, yếu cơ, liệt, giảm tiết mồ hôi, nặng hơn nữa gây ra các khuyết tật ở mắt, tay, chân với nhiều mức độ. Khuyết tật có thể do nguyên nhân tiên phát hoặc thứ phát. Tiên phát là do vi khuẩn trực tiếp phá hủy thần kinh, thứ phát là do da không còn cảm giác nên người bệnh thường hay bị phỏng hoặc thương tích nơi đầu ngón tay, ngón chân mà họ không biết, rồi vết thương bội nhiễm dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử.
Hiện nay, bệnh phong đã được chữa khỏi và không còn là bệnh nan y, bệnh phong được điều trị miễn phí, điều trị ngoại trú tại nhà (không cần phải cách ly vì bệnh nhân phong sau khi uống thuốc 5 ngày đã không còn khả năng lây bệnh nữa). Chương trình phòng chống phong áp dụng phác đồ đa hóa trị liệu do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo từ năm 1982 đến nay rất có hiệu quả. Với thời gian điều trị 6 tháng đối với bệnh phong thể nhẹ (nhóm ít khuẩn PB) và 12 tháng đối với bệnh phong thể nặng (nhóm nhiều khuẩn MB) đã giúp người bệnh khỏi bệnh và không có hoặc ít có khuyết tật. Bên cạnh đó, chương trình còn có những hoạt động khác như: Thông tin - tuyên truyền - giáo dục sức khỏe, phục hồi chức năng... để giúp cộng đồng và người mắc bệnh hiểu, cảm thông và chia sẻ với người bệnh cũng như người bệnh tự tin hơn để hòa nhập cộng đồng.
Bình Dương đã loại trừ được bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh vào năm 2007, tháng 12-2015 đã thực hiện tiếp loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện tại TX.Tân Uyên, là địa phương đầu tiên của tỉnh và cũng là đầu tiên của khu vực Nam bộ thực hiện loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, thị. Năm 2016, Bình Dương tiếp tục thực hiện loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp huyện cho các huyện còn lại. Sau khi loại trừ chúng ta cũng phải có kế hoạch hành động duy trì chương trình, tránh chủ quan ngừa bệnh phong bùng phát trở lại vì chúng ta chỉ loại trừ được bệnh chứ chưa thanh toán được bệnh phong.
C.T.V (Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh)