Tiến tới Đại hội Đảng XIII: Dân chủ, công khai và trường hợp đặc biệt
(BDO)
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sự quan tâm của quần chúng nhân dân đối công tác nhân sự của Đảng là điều đáng mừng, nhưng không vì thế mà chúng ta mất cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch.
Càng gần đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những thông tin nhiễu loạn về công tác chuẩn bị Đại hội càng nở rộ, tập trung vào công tác nhân sự. Nhất là sau khi Hội nghị Trung ương 14 bỏ phiếu thống nhất cao việc giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, vấn đề “những trường hợp đặc biệt,” ở đây được hiểu là những trường hợp quá tuổi quy định được giới thiệu tham gia khóa mới, lại có thêm nhiều suy diễn, “dự đoán” để rồi từ đó công kích tính dân chủ của chế độ, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Như chúng ta đều biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác nhân sự của Đảng đã được chuẩn bị chu đáo, bài bản ngay từ sớm.
Tại Hội nghị lần thứ 8 diễn ra từ 2-6/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII, trong đó có Tiểu ban Nhân sự. Đến Hội nghị Trung ương 9 (từ ngày 25-26/12/2018), Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 205 đồng chí để Bộ Chính trị xem xét, quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 theo thẩm quyền.
Ở Hội nghị Trung ương 11 (từ 7-12/10/2019), Ban Chấp hành Trung ương tán thành trình Đại hội XIII của Đảng cho giữ Điều lệ Đảng hiện hành (không bổ sung, sửa đổi); giao Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Trung ương và góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng để điều chỉnh bằng các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đến Hội nghị Trung ương 12 (từ 11-14/5/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Trung ương cũng thảo luận về tiêu chuẩn ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 13 (từ 5-9/10/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm và thống nhất cao với sự chuẩn bị về nhân sự của Bộ Chính trị.
Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia ủy viên chính thức, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến Hội nghị Trung ương 14 như trên đã đề cập, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục bỏ phiếu giới thiệu nhân sự cấp cao hơn và giao Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng phương hướng và quy trình đã đề ra, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương quyết định ở Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.
Có thể thấy, các quy trình, tiêu chuẩn nhân sự đều không phải là bí mật, được thông tin rộng rãi và rất đầy đủ lớp lang từ thấp đến cao. Cũng không chỉ có công tác nhân sự, các văn kiện quan trọng trình Đại hội XIII của Đảng cũng được công bố, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, dân chủ, công khai trong Đảng không thể hiểu theo nghĩa đơn thuần là công bố mọi vấn đề cho toàn dân biết. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng cho phép thảo luận bình đẳng, bỏ phiếu biểu quyết theo đa số và hành động thống nhất với quyết định đã thông qua.
Cũng bởi thế, những trường hợp đặc biệt ngoài độ tuổi quy định sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn, theo quy trình chặt chẽ hơn với mục đích không bỏ sót người có đức có tài, có kinh nghiệm tham gia gánh vác trọng trách của Đảng, của đất nước.
Năm 2020, một trong 10 sự kiện nổi bật thế giới do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn là cuộc bầu cử lựa chọn Tổng thống Mỹ. Trong lịch sử của cuộc bầu cử này, đã từng có ứng cử viên thất bại dù hơn số phiếu phổ thông nhưng kém số phiếu đại cử tri.
Nhưng chúng ta cũng không đánh giá cuộc bầu cử là dân chủ hay không dân chủ, mà chỉ khẳng định rằng kết quả đó tuân theo quy định của Hiến pháp nước Mỹ. Do đó, dân chủ được hiểu là một quyền công dân nhưng áp dụng cụ thể cũng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Có con đường đúng đắn, có lực lượng ưu tú lãnh đạo, đất nước ta đã giành được độc lập và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng kết công tác năm 2020, triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức ứng phó với thiên tai, dịch bệnh năm nay, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta đã được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc.
Bởi vậy, những ý kiến đóng góp xây dựng Đảng là đáng trân trọng nhưng không vì thế mà để lợi dụng lan truyền những quan điểm học đòi “dân chủ” ở đâu đâu./.
Theo TTXVN