Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.Hồ Chí Minh: Tăng trưởng xanh, bền vững là nhân tố xúc tác trong đầu tư và đổi mới

Thứ sáu, ngày 15/04/2022

(BDO)  - Thưa ông, ông ấn tượng nhất về điều gì trong sự thành công của Bình Dương qua 25 năm phát triển?

- Có rất nhiều ấn tượng về Bình Dương sau 25 năm xây dựng và phát triển. Tôi nghĩ thành công của Bình Dương ngày nay đến từ tư duy, tầm nhìn lãnh đạo của địa phương này qua các giai đoạn lịch sử kể từ khi còn là tỉnh Sông Bé, cho tới khi chia tách và thành lập tỉnh Bình Dương.

Xuất phát điểm thấp hơn so với một số địa phương lân cận, nhưng Bình Dương đã có bước đột phá rất thú vị, trở thành một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp cả nước. Cái tâm, cái tầm của lãnh đạo Bình Dương là yếu tố then chốt dẫn đến sự thành công của Bình Dương. Điều đó được thể hiện qua việc tìm hiểu và nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chú trọng phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy phát triển kinh tế; thủ tục hành chính được cải cách triệt để, tinh gọn…

Đặc biệt, Bình Dương có Tổng Công ty Becamex IDC làm nền tảng để phát triển công nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan, góp phần đưa địa phương từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp dịch vụ phát triển.

- Thưa ông, vai trò của Bình Dương như thế nào trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

- Bình Dương là một trong 4 tỉnh, thành nằm ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Dương tạo ấn tượng tốt về hạ tầng cơ sở, cải cách hành chính để tạo đà phát triển công nghiệp, từng bước phát triển mạnh về dịch vụ, thành phố thông minh… Bình Dương là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, liên kết ở khu vực phía Nam.

Về lâu dài, Bình Dương cũng như các tỉnh thành còn lại cần có sự phân công hợp lý. Bài toán phát triển kinh tế cục bộ tại mỗi địa phương không còn phù hợp với bối cảnh mới. Chẳng hạn TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai có hệ thống cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, các mối quan hệ quốc tế… đi trước Bình Dương. Bình Dương cần tận dụng lợi thế từ các địa phương lân cận, cũng như sức bật nội tại của chính mình. Chẳng hạn, Bình Dương có thể đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ logistics, du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng; phát triển công nghiệp chế biển thực phẩm; công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử…

- Thưa ông, Bình Dương cần chuẩn bị gì cho tương lai, khi xu thế toàn cầu đang diễn ra rất nhanh?

- Làn sóng đầu tư vào Bình Dương ngày càng chất lượng, với các tên tuổi tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu. Bình Dương cần trở thành trung tâm đào tạo tay nghề của khu vực, đào tạo tay nghề có kỹ năng cao theo nhu cầu của nhà đầu tư khó tính này. Nhà đầu tư và chính quyền cần có sự liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm hàm lượng chất xám cao và giá trị gia tăng cao. Bình Dương cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và quan hệ khách hàng quốc tế rộng lớn…

Tuy vậy, Bình Dương cũng cần có sự chuẩn bị cho riêng mình. Không ai có thể đứng mãi trên vai người khổng lồ. Bình Dương có đích đến riêng mình. Vì vậy, tỉnh nhà cần dựa trên vị thế cạnh tranh có sẵn của mình, để điều chỉnh chiến lược hợp lý, để tự lực đi nhanh, đi xa và vươn cao hơn.

- Bình Dương có cần thay đổi chiến lược trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư trong thời gian tới, khi chính sách này đã đem lại sự thành công nhất định cho địa phương?

- Có muốn trải thảm đỏ hay không thì phải xuất phát từ sự hài lòng của nhà đầu tư và sự đồng thuận của người dân. Các nhà đầu tư cần có sự hài hòa về quy mô đầu tư, giữa lợi nhuận và rủi ro. Điều đáng quan tâm là Bình Dương cần có sự chuẩn bị hạ tầng như thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu của họ?

Vấn đề tiếp thu ý kiến xây dựng từ các nhà đầu tư cũng rất quan trọng… Bình Dương cũng cần khuyến khích người dân tham gia vào quá trình thu hút đầu tư ở vai trò là người lao động, hoặc chuyên gia, hay là nhà quản lý. Nhưng cần nhất là có sự thông hiểu lẫn nhau giữa chính quyền và các nhà đầu tư.

Từ sự thành công của Khu công nghiệp VSIP I, Bình Dương tiếp tục xây dựng Khu công nghiệp VSIP II, VSIP III (Trong ảnh: Lễ động thổ và ký kết Khu công nghiệp VSIP I, ảnh: X.Lộc)

- Khu công nghiệp VSIP đánh dấu sự hợp tác rất thành công của Bình Dương và Singapore trong chiến lược phát triển các khu công nghiệp Bình Dương, ông đánh giá sao về vấn đề này?

- Từ sự thành công của Khu công nghiệp VSIP I, sau này Bình Dương tiếp tục xây dựng Khu công nghiệp VSIP II, VSIP III, cho thấy chiến lược đúng đắn của Bình Dương trong phát triển công nghiệp. Tôi cho rằng mối lương duyên Bình Dương và Singapore là đúng người, đúng thời điểm. Ngày nay VSIP đã mở rộng trong phạm vi cả nước từ Nam ra Bắc trở thành mô hình kiểu mẫu cho nhiều tỉnh, thành học tập làm theo.

Singapore xuất phát từ làng chài nhỏ nghèo nàn. Mô hình kinh tế của Singapore ban đầu cũng dựa vào các tập đoàn đa quốc gia để phát triển kinh tế và tiếp thu tri thức, công nghệ, trình độ quản lý. Khoảng 20 năm gần đây Singapore đã có hướng đi riêng của chính mình, bằng cách phát triển các doanh nghiệp nội tại; có sự hỗ trợ từ nhà nước để phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mô hình này đang được Tổng Công ty Becamex IDC Bình Dương áp dụng rất thành công.

Ngoài ra, Bình Dương cần học hỏi sự khôn ngoan tận dụng tri thức thế giới, công nghệ hiện đại từ quốc đảo này. Nhưng để phát triển tầm xa cần có hướng đi riêng của mình.

- Bình Dương cần làm gì để hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển xanh, bền vững, thưa ông?

- Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế bảo đảm bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển carbon thấp và xã hội toàn diện. Tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời bảo đảm rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta.

Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Vấn đề phát triển xanh, phát triển bền vững cần được nhìn nhận ở tầm vĩ mô. Chúng ta cần đi từ nhận thức từ người dân. Ngay từ nhỏ lớp trẻ cần được giáo dục, đào tạo văn hóa, cung cách sống, ứng xử thân thiện với môi trường. Về mặt định hướng, chỉ đạo phải thể hiện tầm nhìn nhất quán, xuyên suốt từ lãnh đạo Bình Dương qua từng nhiệm kỳ, nhất quán và kế thừa… luôn luôn tôn trọng mục tiêu bảo vệ môi trường là tôn chỉ, thu hút các nhà đầu tư chất lượng, cam kết làm ăn lâu dài. Không chấp nhận các nhà đầu tư ngắn hạn, vì lợi nhuận kinh tế làm tổn hại tới môi trường…

Xin cám ơn ông!

PHÙNG HIẾU (thực hiện)