Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo: Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho dạy học trực tuyến
(BDO) Chỉ còn 2 tuần nữa năm học mới 2021-2022 bắt đầu. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn phức tạp, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục dạy và học trực tuyến trong thời gian đầu năm học để phòng, chống dịch bệnh. Để có cái nhìn tổng quát về kế hoạch tổ chức hoạt động dạy học ứng phó với diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT.
Năm học 2021-2022, ngành GD-ĐT chủ động xây dựng kế hoạch, phương án dạy và học phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh ở địa phương. Trong ảnh: HS trường THCS Chu Văn An, TP.Thủ Dầu Một thực hiện “5K” trong thời gian học tập tại trường năm học 2020-2021
- Thưa tiến sĩ, trong thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa lắng xuống, vậy ngành GD-ĐT triển khai hình thức dạy và học như thế nào để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ năm học, vừa thực hiện phòng, chống dịch bệnh?
- Từ tình hình thực tế dịch bệnh của địa phương, Sở GD-ĐT xây dựng các phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và dự thảo hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng, triển khai kịp thời kế hoạch dạy và học năm học 2021-2022. Theo đó, sở xây dựng 4 phương án áp dụng ứng với “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng cam” và “vùng đỏ”, tương ứng với các mức “bình thường mới”, “nguy cơ”, “nguy cơ cao” và “nguy cơ rất cao”.
Các hình thức áp dụng dạy học là dạy trực tiếp và trực tuyến. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh hiện tại trên địa bàn tỉnh, khi 198 trường học được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung. Sở GD-ĐT đã xin chủ trương và được tỉnh chấp thuận tổ chức dạy học trực tuyến trong 2 tháng đầu năm học là tháng 9 và tháng 10. Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã đồng ý với đề xuất của sở không thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục công lập; không tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập
- Như vậy, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến như thế nào, thưa tiến sĩ?
- Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường trực thuộc; các trường THPT; các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp các huyện, thị, thành phố; trung tâm giáo dục thường xuyên và bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để triển khai thực hiện linh hoạt, kịp thời phù hợp với đặc điểm tình hình dịch bệnh ở địa phương, địa bàn.
Đặc biệt, hình thức dạy - học trực tuyến phải được các đơn vị cơ sở chú trọng, triển khai thường xuyên để tăng thời lượng cho học sinh được ôn luyện xuyên suốt năm học; tận dụng đối đa khoảng “thời gian vàng” khi dạy - học trực tiếp để tổ chức, sắp xếp dạy - học thật sự hiệu quả. Sở cũng lưu ý các cơ sở giáo dục bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Qua khảo sát, hiện nay một số học sinh là con em công nhân các khu công nghiệp, gia đình ở vùng nông thôn không đủ điều kiện trang bị thiết bị cho con em tham gia học trực tuyến. Do đó, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục tận dụng tối đa “thời gian vàng” khi dạy học trực tiếp để tăng cường dạy bổ sung kiến thức cho các em học sinh gặp khó khăn không thể tham gia học trực tuyến như đã nêu ở trên.
- Với cấp học mầm non, trẻ còn nhỏ tuổi, vậy ngành có tổ chức dạy học trực tuyến không, thưa tiến sĩ?
- Đối với cấp học mầm non, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi nên cấp học này không triển khai hình thức học trực tuyến giống giáo dục phổ thông. Hình thức triển khai trực tuyến chương trình giáo dục mầm non (GDMN) do cơ sở GDMN soạn thảo các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, rõ ràng, súc tích và xây dựng các video clip tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Ngoài ra, các cơ sở GDMN thông tin cho các bậc cha mẹ các nguồn tài liệu, các kênh truyền thông giáo dục trẻ của đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương... để các bậc cha mẹ tham khảo, vận dụng trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại nhà.
- Thưa tiến sĩ, đối với học sinh tiểu học, hoạt động tổ chức dạy học trực tuyến được thực hiện cụ thể như thế nào, nhất là đối với học sinh lớp 1, lớp 2 thực hiện chương trình thay sách?
- Học sinh tiểu học chưa có điều kiện hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin trong học trực tuyến, còn phụ thuộc vào cha mẹ, do đó ngành chỉ đạo các trường cần phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để trao đổi kế hoạch, thời gian biểu phù hợp. Khi dạy trực tuyến, chủ yếu tập trung ôn luyện kiến thức chuẩn bị cho năm học mới, cần đưa vào một số trò chơi học tập tạo không khí vui học, không gây nhàm chán, quá tải cho học sinh. Đặc biệt đối với lớp 1, lớp 2, thời gian tập trung không được nhiều nên thời gian dạy học không quá 35 phút/tiết, không quá 2 tiết/buổi và 3 buổi/tuần. Các trường chủ yếu gửi các video clip hướng dẫn cha mẹ chuẩn bị các điều kiện cho con em đến trường; cách chuẩn bị cho học sinh khi học trực tuyến và các bài giảng nhẹ nhàng như cách đọc âm, vần… giúp cha mẹ có thể xem và hỗ trợ cho con em học.
Năm học mới 2021-2022 đã cận kề. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, ngành đã xây dựng các phương án tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong 2 tháng đầu năm học, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường dạy trực tuyến cho học sinh. Vì vậy, tôi mong phụ huynh thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và tạo điều kiện thuận lợi cho con em mình trong quá trình học tập. Đối với học sinh, các em tích cực tham gia học tập để củng cố kiến thức, bảo đảm mục tiêu chương trình năm học, đó là an toàn, hoàn thành chương trình, bảo đảm chất lượng.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
HỒNG THÁI (thực hiện)