Tiên phong phát triển xanh
(BDO) Cộng đồng doanh nghiệp (DN) thể hiện trách nhiệm trên con đường đi tới đích mô hình tăng trưởng kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường. Tương lai mở ra bởi các đột phá chiến lược, “nhuộm” một Bình Dương xanh, thông minh, phát triển bền vững.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (TP.Thuận An) triển khai hợp tác phát triển mô hình cụm công nghiệp Netzero
Từ tư duy xanh…
Với tầm nhìn rộng, tư duy vượt trước và quyết tâm đổi mới sáng tạo, Bình Dương đang vươn lên trở thành điểm sáng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với hệ sinh thái thông minh, kiểu mẫu. Bình Dương phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương, để xây dựng hệ sinh thái xanh và đột phá xây dựng TPTM với định hướng vùng đổi mới sáng tạo, tầm nhìn phát triển tương lai của tỉnh Bình Dương là nâng cao đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị đến phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… Tỉnh đã và đang thực hiện những chương trình chiến lược với mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phát triển công nghiệp 4.0.
Bên cạnh việc thu hút nhiều dự án xanh, các DN trên địa bàn tỉnh nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, vượt qua những thách thức về môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi có mặt tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (phường An Phú, TP.Thuận An) khi DN đang đẩy mạnh sản xuất hoàn thành kế hoạch năm 2023 và khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để di chuyển cơ sở đến huyện Phú Giáo. Đây là DN tiên phong của TP.Thuận An trong thực hiện đề án di dời các DN lên phía bắc của tỉnh. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, chia sẻ: “Chúng tôi đồng thuận với chủ trương của tỉnh, công ty đã có phương án báo cáo các cấp để vừa chuyển đổi công năng, vừa di dời bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả. Toàn bộ hoạt động sản xuất của công ty cùng với hơn 20 DN thuê nhà xưởng của công ty sẽ di chuyển lên huyện Phú Giáo”.
Ông Edwin Tan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Frasers Property Vietnam (TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ: “Chúng tôi đang phấn đấu trở thành một DN hoạt động có trách nhiệm, định hướng rõ ràng. Tính bền vững là cốt lõi trong tất cả hoạt động, cố gắng đổi mới trong lĩnh vực bất động sản để tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy quá trình chuyển đổi carbon thấp. Với quyết tâm này, chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho sự phát triển của lĩnh vực bất động sản xanh hơn, bền vững hơn”.
Tại Bình Dương, Công ty Frasers Property Vietnam kêu gọi khách hàng ký kết hiệp định thuê xanh và thường xuyên tạo ra các hoạt động xanh. Hiệp định thuê xanh bao gồm những điều khoản trong hợp đồng thuê được ký kết giữa đơn vị chủ quản tòa nhà và khách thuê, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao về tiêu thụ và hiệu quả năng lượng nhằm mang lại môi trường và trải nghiệm làm việc tốt nhất. Sau khi thống nhất, tất cả các bên cam kết hợp tác với nhau để thúc đẩy và xác định các chiến lược thích hợp để cải thiện môi trường làm việc trong tòa nhà.
…đến nhà máy xanh
Trong xu hướng này, DN nào mạnh dạn, tiên phong sẽ có được lợi thế đi trước, sản phẩm sẽ có lợi thế về cạnh tranh và dễ dàng chiếm lĩnh thị trường hơn. Ông Lê Trí Tín, Giám đốc điều hành Công ty Nhựa Duy Tân (TX.Bến Cát), khẳng định với nền tảng truyền thống hơn 3 thập niên của thương hiệu nhựa hàng đầu Việt Nam đã thúc đẩy Duy Tân bước vào hành trình “vươn tầm quốc tế”. Để khắc phục phần nào tình trạng rác thải nhựa tràn lan, đồng thời khai thác nguồn nguyên liệu này cho hoạt động sản xuất, Duy Tân đã ứng dụng công nghệ mới, tái chế các chai nhựa được thu gom thành hạt nhựa và chai nhựa mới theo tiêu chuẩn đựng thực phẩm. Bên cạnh đó, nhà máy tái chế còn được vận hành với tiêu chuẩn 3 không (không chất thải, không khí thải và không nước thải gây ô nhiễm môi trường). Nhờ đó, các sản phẩm tái chế của Duy Tân đã được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và tham gia chuỗi cung ứng cho các nhãn hàng, thương hiệu trong ngành thực phẩm, đồ uống lớn trên toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn những khu công nghiệp xanh để đầu tư. Trong ảnh: Khách hàng của Công ty Frasersproperty Vietnam (TP.Thủ Dầu Một) lựa chọn thuê đất sản xuất
Trong ngắn hạn, việc chuyển đổi sản xuất là thách thức do phải tốn thời gian, chi phí để đáp ứng các tiêu chuẩn nhưng một khi thực hiện thành công chuyển đổi xanh, DN sẽ có được lợi thế đáng kể khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), chiêm nghiệm rằng những nỗ lực chuyển đổi xanh đã tạo động lực tăng trưởng cho DN và tránh được lộ trình thuế carbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính.
“Để chuyển đổi sản xuất, tư duy quan trọng nhất, tiếp đến là chiến lược phát triển. DN cần có tầm nhìn xa hơn, khi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững thì cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm được nâng lên một phân khúc giá trị, không chỉ được bán với giá cao hơn mà còn được nhận diện tốt hơn”, ông Phan Thành Đức khẳng định.
TIỂU MY