Tiền giả vẫn len lỏi trong các giao dịch

Thứ ba, ngày 05/06/2012

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tình hình tiền giả polymer trong những tháng đầu năm 2012 đã giảm rõ rệt so với trước đây. Tuy nhiên, tiền giả vẫn hiển hiện, lưu thông khắp nơi do một số người cố tình sử dụng tiền giả xen lẫn với tiền thật để giao dịch mua bán. Người dân cần để ý kỹ, tránh gặp phải những thiệt thòi không đáng có.

Nhiều chiêu tinh vi

Mua hàng vội vã, chọn thời điểm lúc nhá nhem tối, người mua nhộn nhịp, mua hàng có giá trị thấp nhưng trả tiền mệnh giá lớn... là những chiêu mà một số đối tượng thường sử dụng để tiêu thụ tiền giả. Dì Ba, chủ cửa hàng bánh mì trên đường Văn Công Khai, TX.TDM ấm ức kể với chúng tôi rằng: do đông khách nên tôi vội vã thối tiền cho một nam thanh niên đội mũ, bịt khẩu trang mà không để ý, đến lúc kiểm tra lại tiền, tôi phát hiện tờ bạc giả 200.000 đồng. Sau lần này, tôi thường cảnh giác và phát hiện không dưới 2 lần có người sử dụng tiền giả có mệnh giá 100.000 đồng và 500.000 đồng để mua hàng.

 Cần có thói quen kiểm tra kỹ tiền giả, thật trước khi giao dịch bằng tiền mặt 

Tình huống như dì Ba cũng không phải là hiếm, nhiều người kinh doanh dù đã hết sức chú ý, có trang bị phương tiện kiểm tra tiền giả nhưng với các thủ đoạn tinh vi, người bán vẫn thường bị lừa. Anh Võ Trí Tường, chủ cửa hàng đồ sắt tại chợ Lái Thiêu, TX.Thuận An kể lại, lợi dụng vào những ngày cận Tết Nguyên đán 2011 trong khi đông đúc khách mua hàng, một nam thanh niên hỏi mua máy khoan điện, sau khi nghe báo giá 1,8 triệu đồng, người thanh niên này ra về và sau 10 phút trở lại mua hàng. Qua kiểm tra tiền bằng máy soi cực tím thì rõ ràng tiền thật, tuy nhiên, ngay lúc đó người thanh niên đòi trả hàng, lấy lại tiền do yêu cầu giảm giá không được đáp ứng. Cùng thời điểm này, có một cuộc điện thoại, vị khách này lại yêu cầu mua hàng, nhanh chóng trả tiền và thúc giục anh Tường thối tiền. Do vừa kiểm tra nên anh Tường chủ quan không chú ý, nhưng không ngờ đối tượng này đã nhanh tay tráo xấp tiền khác, trong đó chỉ có 2 tờ tiền trên cùng là thật, 7 tờ còn lại đều là tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.

Trong thực tế, thủ đoạn lừa gạt để tiêu thụ tiền giả, trao tiền giả lấy tiền thật không chỉ xảy ra ở thành phố, thị xã, chợ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc người có ít thông tin về cách thức nhận biết tiền thật, giả mà còn diễn ra ngay cả tại ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương cho biết, trong năm 2011, lượng tiền giả bị ngân hàng thu giữ trên 31 triệu đồng với 219 tờ bạc, trong đó tiền giả mang mệnh giá 200.000 - 500.000 đồng được làm giả nhiều nhất. Điều đáng ngại là lượng tiền giả tăng theo tỷ lệ thuận với lượng tiền thu vào trong ngân hàng. Chúng tôi cũng chứng kiến không ít trường hợp, người dân khi nộp tiền thì bị nhân viên ngân quỹ thu giữ tiền giả. Hầu hết khách hàng than thở, buôn bán rất cực khổ, bán hàng chục ký khô mới thu lợi được 100.000 đồng, nếu tiền giả bị ngân hàng thu giữ xem như mất, lỗ vốn. Với những trường hợp này, dù hết sức thông cảm nhưng chúng tôi cũng buộc phải thu giữ theo quy định, ông Phục nói.

Khi phát hiện tiền giả cần phải thu giữ

Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chi nhánh hoạt động nên lượng tiêu thụ, chi tiền mặt ngày càng tăng. Mặt khác, việc sử dụng tiền mặt là thói quen ăn sâu trong xã hội nên tình trạng này vô hình trung tạo điều kiện cho đối tượng sản xuất, tiêu thụ tiền giả vẫn còn đất sống. Theo số liệu thống kê của NHNN - Chi nhánh Bình Dương, trong năm 2011, ngành đã thu hồi 1.367 tờ tiền giả với tổng số tiền 207 triệu đồng, giảm 4,6% so với năm 2010.

Theo NHNN Việt Nam, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước giảm so với tiền cotton trước đây nhờ có sự nỗ lực đấu tranh chống tiền giả của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thực tế do nhận thức chưa đầy đủ ở một số cá nhân nên vẫn có hiện tượng “phớt lờ” để thu vén lợi ích về cho mình. Ông Phục dẫn chứng, có một số chi nhánh TCTD khi nhận tiền gửi tiết kiệm, có phát hiện tiền giả nhưng thay vì thu giữ, thì họ trả lại khách hàng. Vietcombank cũng đã nhiều lần bị khách hàng phản ứng khá gay gắt, giận dỗi và thậm chí bị mất luôn khách hàng cũng do ngân hàng thu giữ tiền giả. Các TCTD khi phát hiện tiền giả thì phải thu giữ, lập biên bản, đóng dấu, nộp NHNN theo đúng quy định. Tội phạm tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như đời sống của nhân dân. Do vậy, các TCTD nói chung, người dân nói riêng cần tăng cường và chủ động nắm bắt tình hình, thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng để có giải pháp phòng chống, xử lý hiệu quả. Tất cả các trường hợp có liên quan đến tội phạm tiền giả phải nhanh chóng được phát hiện và xử lý nghiêm minh, không để tiền giả có cơ hội lưu thông và xâm nhập vào hệ thống kho bạc, ngân hàng, cơ quan Nhà nước.

THANH HỒNG

Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, lượng tiền giả thu giữ qua hệ thống ngân hàng, kho bạc có xu hướng giảm dần qua các năm. Theo đó, quý I năm 2012 giảm 32,11% so với cùng kỳ năm 2011; giảm 45,63% so với năm 2010 và giảm 75,23% so với năm 2009. Tiền giả polymer chủ yếu là mệnh giá 100.000 đồng (chiếm 42%) và 50.000 đồng (29%). Lượng tiền giả lưu hành trong 6 năm kể từ khi chính thức sử dụng tiền polymer (2004-2009) đã giảm khoảng 80% so với giai đoạn 1999-2004, khi nền kinh tế chỉ sử dụng duy nhất loại tiền cotton. Các loại tiền giả polymer đều có kỹ thuật làm giả chưa cao, dễ dàng kiểm tra bằng mắt thường, bằng tay và có một số đặc điểm như chất nylon dễ bị phai màu, dãn hoặc rách và không có các yếu tố bảo an hoặc có nhưng không tinh xảo (hình bóng chìm tối hơn nền giấy, không sắc nét...) mực in dễ bong tróc. Để giảm thiểu rủi ro khi nhận phải tiền giả, người sử dụng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra tiền đồng trước khi giao dịch tiền mặt theo hướng dẫn của NHNN tại website http://www.sbv.gov.vn, mục tiền Việt Nam.