Tiêm vắc xin để phòng, chống bệnh dại

Thứ sáu, ngày 06/10/2023

(BDO)  Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.

 Người dân tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 Bệnh dại gia tăng đột biến

Bệnh dại đã lưu hành nhiều năm ở nước ta và là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua. Mặc dù đã có vắc xin nhưng thế giới vẫn ghi nhận gần 60.000 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm. Tại Việt Nam, gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại tại các cơ sở y tế. Thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, Gia Lai ghi nhận 11 ca tử vong, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Những năm gần đây, bệnh dại tăng đột biến, không chỉ gây ảnh hưởng lớn về sức khỏe mà còn để lại gánh nặng về kinh tế, xã hội cho các gia đình. Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người và trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước đã ghi nhận 70 ca tử vong vì bệnh dại trên người và trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có 35 ca tử vong tại 17 tỉnh, thành phố, tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Tại Bình Dương, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh dại trên người.

Để tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, trong giai đoạn năm 2023-2025, Bình Dương phấn đấu tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được thống kê; giai đoạn năm 2026-2030 phải đạt từ 80% trở lên.

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút dại cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Ổ chứa vi rút dại chủ yếu là chó (chiếm 96-97%) và mèo (chiếm 3-4%). Nguồn truyền bệnh dại từ người bệnh sang người lành xảy ra chủ yếu từ nước dãi của người bệnh có chứa vi rút dại. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh dại gần như tử vong 100%.

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành “thú dữ”, gây hại đến sức khỏe con người, là mối nguy hiểm tiềm ẩn. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh luôn bảo đảm việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến tại các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Ngành cũng phối hợp với cơ quan thú y ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn (trong vòng 24 giờ) sẽ tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định.

Tiêm vắc xin phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu

Theo bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân tử vong của bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vắc xin và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. Đây là hai vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại năm 2022-2023 nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do dại tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.

“Vắc xin ngừa dại cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị động vật cắn, cào, liếm trên vùng da bị tổn thương; cần tiêm đủ liều và đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ. Những người có nguy cơ phơi nhiễm cao cần được tiêm phòng chủ động như bác sĩ thú y, người chăm sóc thú, nhân viên phòng thí nghiệm bệnh dại, người giết mổ động vật (chó, mèo, trâu, bò...), người đi rừng, người thăm dò hang động, công nhân sản xuất sinh phẩm từ bệnh dại, người thường xuyên tiếp xúc với vi rút dại hoặc với các động vật có thể mang bệnh dại”, bác sĩ Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó hoặc mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự ý chữa bệnh hoặc nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

 HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG