Tiềm năng thị trường cá cảnh
Bình Dương đang khuyến khích các hộ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị. Rất nhiều mô hình hay, sáng tạo của nông dân trong tỉnh thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Một trong những mô hình đó chính là nuôi cá cảnh cho thu nhập cao. Chẳng hạn như mô hình nuôi cá cảnh của anh Lê Văn Huệ, ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng. Với hơn 1.000m2 diện tích nuôi cá dĩa, cá hạt đỉnh hồng, cá ông tiên, cá ba đuôi... đã mang lại thu nhập bình quân cho gia đình anh trên 100 triệu đồng/năm.
(BDO)
Anh Trần Văn Cao, một người nuôi cá cảnh tại phường Hưng Định, TX.Thuận An, cho hay nuôi cá cảnh không cần quá nhiều diện tích, kỹ thuật chăm sóc, nhân giống… không quá phức tạp. Trong khi đó, thị trường đầu ra của cá cảnh khá ổn định, có thể tiêu thụ tại chỗ hoặc bán cho khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… vì nhu cầu chơi cá cảnh của người dân đang ngày một tăng.
Có thể nói, mô hình nuôi cá cảnh rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh. Mới đây, tại TX.Thuận An, hội thảo chuyên đề về nuôi cá cảnh đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều hội viên nông dân trong tỉnh, nhất là tại các địa phương ven sông Sài Gòn - có nhiều thuận lợi trong phát triển nuôi thủy sản, cá cảnh. Hội thảo đã cơ bản giải quyết được những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ cá cảnh; đề ra được những giải pháp tối ưu, xây dựng phương hướng hoạt động của Hội Cá cảnh, để nghề nuôi cá cảnh ở Bình Dương phát triển ổn định và hiệu quả.
Ghi nhận cho thấy, thị trường cá cảnh đang có nhiều tiềm năng, giúp các hộ nông dân trong tỉnh có thêm lựa chọn để chuyển đổi vật nuôi phù hợp. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, nếu có chiến lược phù hợp, cá cảnh có thế xuất khẩu sang các nước.
HOÀNG PHONG