Tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái tại làng Chăm, xã Minh Hòa
(BDO) Ven hồ Dầu Tiếng, đồng bào người Chăm từ Châu Đốc, tỉnh An Giang về xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng lập nghiệp ngót nghét đã gần 50 năm. Nửa thế kỷ kể từ khi những hộ gia đình người Chăm đầu tiên về mảnh đất Minh Hòa, đến nay cộng đồng cư dân người Chăm đã phát triển hơn 100 hộ. Bên cạnh chăm lo lao động, sản xuất, phát triển kinh tế thì đồng bào Chăm vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của mình, góp phần làm phong phú, đa dạng sắc màu văn hóa của vùng đất Bình Dương…
Làng quê thanh bình
Khi ê kíp thực hiện chương trình Tôi yêu Bình Dương về làng, chúng tôi mời một người phụ nữ Chăm cùng tham gia. Ban đầu, chúng tôi dự định mời chị Sa Ky Roh, nhưng chị ấy bảo: “Không được! Phụ nữ người Chăm không được đứng bên cạnh người đàn ông xa lạ, muốn tham gia thì phải có từ hai phụ nữ Chăm trở lên…”.
Thế là ê kíp chương trình có thêm được 2 người phụ nữ Chăm cùng đồng hành: chị Sa Ky Roh và chị Phau Si Giah. Hai chị rất nhiệt tình, dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh làng...
Làng Chăm thanh bình, yên tĩnh nằm ven lòng hồ Dầu Tiếng. Hơn 100 hộ dân đang sinh sống nơi đây. Đồng bào Chăm sống bằng nghề trồng cao su, đánh bắt cá tại lòng hồ và kinh doanh buôn bán. Có người đi xa làng vài tháng để buôn bán đường dài, tới mùa lễ hội, tết thì nô nức kéo nhau về làng.
Với người Chăm An Giang, nam có trang phục gồm: sà-rông, đội mũ. Vào những dịp lễ hội, người nam sẽ mặc những chiếc áo dài theo truyền thống của Arab. Phụ nữ sẽ mặc những chiếc đầm dài, che mặt, quấn khăn mat’ra qua đầu. Khăn mat’ra được ví như hình ảnh chiếc nón lá của người Việt, chiếc khăn ấy thể hiện sự dịu dàng, nữ tính, hồn hậu, cần mẫn của người phụ nữ đồng bào Chăm. Đặc biệt, người phụ nữ phải ăn mặc kín đáo và không được mặc đồ bó sát. Khi quấn khăn che đầu thì không để lộ, dù chỉ là một sợi tóc.
Về ẩm thực, đồng bào người Chăm theo đạo Hồi đặc biệt rất thích các món cà ri. Món ăn này được sử dụng trong những ngày lễ lớn, ngày Tết của đồng bào người Chăm.
Làng Chăm thanh bình là vậy, đồng bào cùng sống chan hòa, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Hứa hẹn điểm du lịch độc đáo
Giáo cả Mach A Min kể cho chúng tôi nghe: Khoảng những năm 80 thế kỷ trước, đồng bào người Chăm bắt đầu di cư lên Dầu Tiếng. Bởi lúc bấy giờ tại Châu Đốc, An Giang đất đai thu hẹp dần, thời tiết mưa lũ bất thường, làm ăn gặp rất nhiều khó khăn.
Những người tiên phong đến đất Dầu Tiếng thấy nơi đây yên bình, đất đai tươi tốt, khí hậu hiền hoà nên rủ nhau lũ lượt về Minh Hoà dựng nhà, kiếm kế sinh nhai. Vậy là đã gần 50 năm trôi qua, cộng đồng người Chăm đã tạo dấu ấn của mình tại huyện Dầu Tiếng, với sắc màu văn hóa, tín ngưỡng rất độc đáo của mình.
Ông Giáo cả tự hào khoe với chúng tôi: “Hơn 100 hộ với gần 700 nhân khẩu, người Chăm tại ấp Hoà Lộc, xã Minh Hòa đang xây dựng đời sống kinh tế-văn hoá ngày một khởi sắc. Có vài chục hộ đã mua được xe ô tô, nhiều gia đình vượt khó vươn lên làm giàu. Tất cả là nhờ Đảng ủy và chính quyền các cấp luôn quan tâm, giúp đỡ đồng bào Chăm”.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch xã Minh Hòa cho hay, người Chăm sống chan hòa, chịu khó làm ăn, tuân thủ nghiêm minh pháp luật. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình hiến đất làm đường, xây dựng văn hóa làng Chăm đậm đà bản sắc, làm đa dạng thêm sắc màu văn hoá của huyện Dầu Tiếng.
Nằm yên ả bên hồ Dầu Tiếng, sơn cảnh hữu tình, làng Chăm ở Minh Hòa hứa hẹn sẽ là nơi được phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa độc đáo của Bình Dương trong tương lai.
Phùng Hiếu