Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ kinh doanh phế liệu trong khu dân cư - Bài 2
(BDO) Bài 2: Cần có biện pháp kiên quyết
Trước tình trạng cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động khá bát nháo, thời gian qua, các ngành chức năng liên quan đã phối hợp với chính quyền cơ sở tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý đối với những cơ sở vi phạm. Tuy nhiên sau ngày giao quyết định xử phạt, phần lớn các chủ cơ sở không chấp hành.
Không chấp hành quyết định xử phạt
Để làm đúng quy trình, tránh xảy ra việc tranh chấp trong công tác di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi khu dân cư, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai rà soát, thống kê các cơ sở và có hướng xử lý “thấu tình, đạt lý”.
Nếu không kiên quyết xử lý, bố trí, quy hoạch lại mạng lưới kinh doanh phế liệu thì tình trạng cháy nổ tại các cơ sở phế liệu là nguy cơ khó tránh khỏi. Trong ảnh: Một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho chứa phế liệu trên địa bàn phường Bình Hòa, TX.Thuận An
Phường Bình Hòa là địa phương có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu nhất trên địa bàn TX.Thuận An. Ông Lê Quốc Tiến, cán bộ phụ trách môi trường phường Bình Hòa cho biết: “Hiện nay, biện pháp chế tài đối với những cơ sở phế liệu chưa đủ mạnh nên gây khó khăn cho công tác xử lý. Cụ thể như vừa qua chúng tôi phối hợp cùng đoàn công tác liên ngành của TX.Thuận An tổ chức kiểm tra 20/68 cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Đến nay, 20 cơ sở bị kiểm tra đã được trao quyết định xử lý nhưng họ lại tránh né không chịu chấp hành. Phương án cuối cùng là thực hiện biện pháp cưỡng chế, buộc tháo dỡ, di dời”. Ông Lê Quốc Tiến cho biết trước những khó khăn của địa phương, hiện phường Bình Hòa đang xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TX.Thuận An để “giải bài toán khó” này trong thời gian tới.
Tương tự, ông Phan Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, thông tin: “Trong khi lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một chỉ đạo rốt ráo bằng mọi cách phải di dời các cơ sở phế liệu trên địa bàn ra khỏi khu dân cư, nhưng hiện nay nhiều cơ sở lại không chịu chấp hành. Khi biết tổ công tác liên ngành đến kiểm tra, các chủ cơ sở tránh né, họ đưa người già, trẻ em ra tiếp. Hiện nay khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc di dời đã đến tay các chủ cơ sở vi phạm nhưng họ vẫn chưa chịu chấp hành. Về vấn đề này, hiện nay địa phương đang dồn toàn lực để xử lý theo đúng quy định”.
Vận động chủ đất
Theo tìm hiểu của P.V, phần lớn các chủ cơ sở phế liệu trên địa bàn tỉnh đều thuê mặt bằng trong khu dân cư để hoạt động. Trên cơ sở này, thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương đã tổ chức vận động những hộ dân đang cho thuê đất cắt hợp đồng với các cơ sở, buộc chủ cơ sở phải di dời đi nơi khác.
Trao đổi với P.V về công tác lập lại trật tự, di dời cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn phường An Bình, TX.Dĩ An, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND phường An Bình nói: “Nhằm ngăn chặn việc phát sinh các cơ sở phế liệu trên địa bàn, thời gian qua chúng tôi cắt cử cán bộ địa chính, môi trường đến từng hộ dân đang cho những người thuê mặt bằng kinh doanh phế liệu để vận động, qua đó nhiều người dân đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với các cơ sở phế liệu, buộc họ phải di dời đi nơi khác để hành nghề. Nếu đầu năm 2015 phường An Bình có gần 20 cơ sở thì nay chỉ còn 7 cơ sở hoạt động. Đối với 7 cơ sở còn lại, tới đây chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế, buộc di dời”.
Liên quan đến công tác vận động chủ đất cắt hợp đồng đối với chủ cơ sở phế liệu, ông Lê Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Tính đến giữa tháng 9-2016, phường Phú Thọ còn 13 cơ sở phế liệu. Tuy nhiên, cả 13 cơ sở này đã ngưng hoạt động. Theo báo cáo của cán bộ phụ trách môi trường phường thì các cơ sở này đang tìm địa điểm mới để di dời. Để đạt được kết quả này, lâu nay chúng tôi kiên quyết xử lý đối với những cơ sở chưa làm đúng theo quy định của pháp luật”.
Kiên quyết xử lý
Ngày 29-4-2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1286/UBND-KTN về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh đến các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn; đồng thời xem xét những cơ sở có đủ điều kiện thì hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cấp phép. Ngoài ra, đối với những cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động không đúng theo quy định, sau thời gian vận động di dời, nếu cơ sở không được cấp phép hoạt động nhưng lại không chịu di dời sẽ tổ chức cưỡng chế.
Bà Quách Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Dĩ An cho biết: “Song song với việc thực hiện công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn, vừa qua TX.Dĩ An đã ban hành danh sách các tuyến đường, khu vực, địa điểm hạn chế kinh doanh phế liệu trên địa bàn thị xã. Trong đó, công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm, buộc tháo dỡ, di dời là quan trọng. Đầu năm 2016, trên địa bàn TX.Dĩ An có 255 cơ sở, sau thời gian quyết liệt vào cuộc, đến nay đã giảm trên 75% so với trước” .
Được TX.Dĩ An chọn là địa bàn thí điểm trong công tác lập lại trật tự kinh doanh phế liệu, thời gian qua, phường Dĩ An đã thể hiện động thái tích cực trong việc xử lý triệt để vấn đề này. Ông Tô Đình Phương, cán bộ phụ trách môi trường phường Dĩ An, cho biết: “Nếu như đầu năm 2016, trên địa bàn phường có 17 cơ sở phế liệu không phép thì nay chỉ còn có 8 cơ sở. 8 cơ sở này cũng đã bị đình chỉ hoạt động. Nghĩa là địa bàn chúng tôi tương đối đã giải quyết xong các vựa kinh doanh phế liệu. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần sự hưởng ứng, chung tay của quần chúng nhân dân địa phương để công tác này ổn định”.
Nguy cơ cháy nổ cao
* Vì bất cẩn trong việc sử dụng điện, khoảng 20 giờ ngày 29-7, tại cơ sở phế liệu của ông Võ Đình Hà (KP.Bình Đức, phường Bình Hòa, TX.Thuận An) đã xảy ra vụ chập điện gây cháy nổ. Chưa đầy 30 phút, kho phế liệu rộng 1.500m2 của ông Hà bị thiêu rụi. Tại hiện trường ngày hôm đó nhiều người đã chứng kiến ngọn lửa bốc cháy, thiêu rụi những thùng phi, nhựa, vải, bao tải cháy đen. Cột điện bên ngoài cũng bị cháy lan gây chập mất điện ở KP.Bình Đức. Vì sợ đám cháy lan sang nhiều khu phòng trọ gần đó, nhiều công nhân trong phòng trọ đã ôm đồ đạc chạy ra ngoài. Ông Võ Đình Hà, chủ cơ sở này cho biết, tổng mức thiệt hại trong đợt hỏa hoạn lên đến hàng tỷ đồng.
* Khoảng 7 giờ sáng 9-7, tại nhà kho chứa phế liệu rộng hàng ngàn mét vuông tại KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An xuất hiện đám cháy lớn, khói đen bốc lên nghi ngút. Do bên trong nhà xưởng chứa nhiều phế liệu như vải vụn, đồ nhựa khiến ngọn lửa bùng phát nhanh rồi lan rộng. Ngay sau đó Cảnh sát PC&CC tỉnh và TX.Thuận An có mặt kịp thời xử lý nên đám cháy đã bị khống chế và dập tắt sau 2 giờ.
* Khoảng 14 giờ ngày 15-2, tại kho chứa phế liệu của Công ty Đại Phát Tài (KP.Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) đột nhiên xuất hiện lửa bốc cháy nghi ngút, kéo theo nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ trong đám cháy. Do kho phế liệu này chứa nhiều chất dễ cháy như vải, nhựa, gỗ, thùng phuy chứa hóa chất và nhiều tạp chất khác nên đám cháy bốc lên dữ dội. Ngọn lửa bùng cao hơn 10m, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn.
Sau 2 giờ nỗ lực chữa cháy, Cảnh sát PC&CC tỉnh đã khống chế được ngọn lửa không để cháy lan, ảnh hưởng đến các nhà dân xung quanh.
THANH QUANG