Tiếc thương một đảng viên mẫu mực

Thứ ba, ngày 20/11/2012

   Bí thư Thị ủy Thuận An Trần Thanh Liêm trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng cho bà Nguyễn Thị Hửng lúc còn sống cách đây 1 tháng

Nhớ phong cách của người đảng viên gần dân, hiểu dân

Nhiều lần chính tôi cũng đã xuống gặp bà Năm Trầu để viết về ký ức của những người chiến sĩ hoạt động cách mạng ở Thái Hòa, Tân Uyên. Mỗi lần gặp bà, tôi đều nhớ phong cách sống rất gần dân, hiểu dân, cùng chia sẻ những khó khăn với nhân dân. Cách đây không lâu, tôi và một đồng nghiệp của Báo Bình Dương đã về gặp bà để viết bài cảm nhận của cán bộ hưu trí, lão thành về những đổi thay trên quê hương Bình Dương. Lúc đó, bà Năm Trầu đã 88 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày gian khổ trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất hoàn toàn đất nước năm 1975.

Bà Năm Trầu từng kể với chúng tôi bằng một chất giọng chất phác nhưng hùng hồn. Đối với gia đình bà, ngoài việc tham gia đóng góp trí tuệ, công sức cho cách mạng, cho Đảng, gia đình bà ở thị trấn Thái Hòa, Tân Uyên còn là địa điểm nuôi giấu nhiều đồng chí hoạt động cách mạng. Sau này, các đồng chí này đã đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của Đảng, chính quyền. Trong đó, có nhiều đồng chí như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Lũy và các đồng chí khác là cán bộ Nam bộ khởi nghĩa. Lúc đó, bà Năm Trầu cho biết, sở dĩ gia đình bà là nơi nuôi giấu, tiếp tế cho cách mạng là nhờ trong nhà có địa đạo chiến, có hầm bí mật. Do đó, rất thuận lợi cho các đồng chí cách mạng hoạt động…

Theo bà kể, để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ở Bình Dương, các cánh quân của ta đã cùng với bộ đội chủ lực đồng loạt xuất kích giải phóng quê nhà. Lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng khắp nơi trong tỉnh Thủ Dầu Một nổi dậy cắm cờ giải phóng, phát loa kêu gọi binh lính địch buông súng đầu hàng. Khí thế của quân, dân ta qua lời kể của bà rất oai hùng, khắp nơi nhất tề đứng dậy, đồng loạt giải phóng. Sau ngày hòa bình, quân và dân ta bắt đầu đi vào công cuộc xây dựng đất nước. Cực lắm, nhưng tất cả bắt tay vào xây dựng quê hương bằng trái tim và tinh thần của những người lính cách mạng miền Nam, trong đó có gia đình bà.

Ấn tượng hành động dựa vào sức dân

Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, với cương vị là Chủ tịch UBND xã Thái Hòa lúc bấy giờ, chính bà đã bắt tay vào làm ngay những việc giúp dân, giúp Đảng vững mạnh. Trong đó, ấn tượng và ghi dấu nhất đó là việc chính bà đã vận động nhân dân xây dựng HTX Tân Ba và trường THPT Thái Hòa. Trải qua nhiều năm tháng, HTX Tân Ba và trường THPT Thái Hòa đã đóng góp tích cực cho địa phương, cho người dân. Theo nhiều cán bộ Tân Uyên nhận định, bà Năm Trầu vận động được việc xây dựng 2 công trình này là hoàn toàn dựa vào sức dân, vì lúc đó mới giải phóng, nguồn ngân sách của ta rất hạn chế. Tuy nhiên, để có một ngôi trường cho con em vùng giàu truyền thống cách mạng như Thái Hòa đi học là cả một vấn đề. Xác định được những khó khăn này, bà Năm Trầu đã ra sức vận động nhân dân cùng bỏ công, bỏ sức xây dựng ngôi trường này.   Tại sổ tang gia đình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Vĩnh biệt chị Sáu, người đảng viên cộng sản, người chị kính yêu. Cả cuộc đời chị hy sinh cống hiến cho đất nước, cho gia đình. Xin chia sẻ nỗi đau thương cùng gia đình.

Sau khi thấy con em mình được học hành và trưởng thành từ ngôi trường Thái Hòa, bà Năm Trầu vô cùng hạnh phúc và hãnh diện. “Từ việc đi xin chủ trương đến việc bắt tay vào xây dựng trường, tìm giáo viên để dạy cho con em Thái Hòa và các xã lân cận đều rất khó khăn. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến con em ta có nơi học hành là bà vui lắm” - một cán bộ giáo viên hưu trí của trường đến viếng lễ tang cho biết. Có thể nói, cả cuộc đời bà Năm Trầu luôn sống theo phương châm gần dân, hiểu dân, thương dân như chính mình. Do vậy, trong quá trình làm Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, bà Năm Trầu đã dựa vào sức dân để xây dựng quê hương mình. Và bài học từ sức dân, dựa vào dân, làm việc vì dân là cách làm hữu hiệu nhất ở bất cứ thời đại nào.

Thương tiếc một đảng viên mẫu mực

Sáng qua (19-11), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở ban ngành, địa phương và các đồng chí nguyên là lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ đã đến chia buồn cùng gia quyến. Trong lòng mọi người, chắc hẳn ai cũng nhớ và thương tiếc bà Năm Trầu - một cán bộ đảng viên mẫu mực với huy hiệu 55 tuổi Đảng. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Thuận An nhớ lại, cách đây một tháng, Thị ủy có tổ chức đoàn đến nhà trao Huy hiệu 55 tuổi Đảng và ghi nhận những đóng góp của bà Năm Trầu cho Đảng, cho cách mạng. Ngày đoàn đến, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng bà đã thân mật trò chuyện với các thành viên trong đoàn. Vậy mà, giờ bà đã qua đời, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình và Đảng bộ TX.Thuận An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Ông Dương So Ho, Chủ tịch HĐND P.Vĩnh Phú cho biết, sau khi bà Năm Trầu qua đời, địa phương đã đến kết hợp cùng gia đình hỗ trợ trong lúc tang gia bối rối. Ở góc độ địa phương, bà Năm Trầu tham gia sinh hoạt Đảng và các phong trào rất tốt. Trong quá trình sinh hoạt ở chi bộ KP.Trung, P.Vĩnh Phú, bà luôn gương mẫu, tích cực chia sẻ kinh nghiệm sống của mình cho các đảng viên trẻ, nhất là những bài học gần dân, hiểu dân, thương yêu dân. Mỗi lần có chuyện gì ở gia đình, cán bộ của phường đều tụ họp về nhà bà để nghe bà kể về những kinh nghiệm sống. “Mới đây, bà rất vui mừng khi đón nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liền từ 2010 đến 2012. Theo ông Ho, bà Năm Trầu sống trọn tình làng nghĩa xóm. Mỗi lần trong khu phố có đám giỗ hay các chương trình khác, bà đều nhiệt tình đến tham gia, chia sẻ với bà con lối xóm. “Cách sống của bà là một phong cách hiếm thấy. Bà mất đi để lại cho chúng tôi nhiều thương tiếc” - ông Dương So Ho bùi ngùi.

 HỒ VĂN