Tiếc nuối một vùng trồng tiêu

Thứ ba, ngày 29/05/2012

Xã An Bình, huyện Phú Giáo từ lâu đã được nhiều người xem là “thủ phủ” của cây tiêu Bình Dương. Tuy nhiên, hiện nay số người gắn bó với cây tiêu tại An Bình ngày càng ít và diện tích trồng tiêu tại đây vì vậy đã giảm đáng kể!

Một thời đã xa

Giờ đây, trong tâm trí của nhiều người trồng tiêu tại xã An Bình, huyện Phú Giáo vẫn còn nhớ như in cái thời hoàng kim của cây tiêu. Đó là vào khoảng những năm 1999-2000, khi mà cây tiêu trở thành cây trồng đem lại nguồn lợi cao cho người dân tại nhiều địa phương, trong đó có An Bình và An Bình ngày ấy là địa phương trồng tiêu nhiều nhất của tỉnh Bình Dương.  

Nhiều vườn tiêu tại An Bình chỉ còn trơ lại trụ với những dây tiêu chết khô do dịch bệnh hoành hành

“Tiếc nuối” là những gì mà chúng tôi cảm nhận được từ những người trồng tiêu lâu năm tại An Bình. Họ tiếc nuối cho loại cây trồng một thời giúp họ làm giàu nhưng nay lại bị nhiều người... ghẻ lạnh! Nhiều người vẫn tin, nếu cây tiêu được các cơ quan chức năng nghiêm túc nghiên cứu loại trừ hết bệnh và có các giống mới phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu thì An Bình sẽ lại là “thủ phủ” của cây tiêu như xưa. Nếu được như vậy thì cùng với cây cao su, cây tiêu sẽ tiếp tục làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây.

 

Cách đây hơn 10 năm, cây tiêu đã được nhiều người ví như là “vàng đen”, bởi giá bán lên đến hơn 100.000 đồng/kg hạt tiêu. Tại thời điểm đó 10kg tiêu bằng 1 chỉ vàng và nhiều người dân An Bình chỉ riêng việc bán dây tiêu giống cũng đã trở nên giàu có. Với giá hạt tiêu cao như vậy, tại nhiều địa phương như Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát, Dầu Tiếng phong trào trồng tiêu phát triển mạnh. Nhiều diện tích trồng điều, cao su được phá bỏ để trồng tiêu. Cây tiêu lúc này được xem là phương cách làm giàu hiệu quả nhất của nông dân. Tuy nhiên, chính vì chạy theo phong trào mà không ít người đã “tiêu” theo loại cây trồng này do sự chọn lọc giống không tốt và phương pháp canh tác chưa phù hợp; trong khi cây tiêu lại hay bị bệnh! Bên cạnh đó là giá tiêu sau một thời gian ngắn vọt lên cao lại rớt xuống thấp. An Bình tuy là địa phương có truyền thống trồng tiêu và có nhiều người trồng tiêu giàu kinh nghiệm, nhưng cũng không thoát khỏi quy luật này.

Hiện nay, diện tích trồng tiêu tại An Bình chỉ còn khoảng gần 130 ha. Nếu so với thời hoàng kim thì diện tích cây tiêu ở An Bình hiện nay chỉ còn khoảng 30%. Cây tiêu giờ đây không còn là loại cây trồng chiếm vị trí độc tôn tại vùng đất này mà đã và đang lép vế so với cây cao su. Cây tiêu đã bị “quật ngã” một cách nghiệt ngã do chính những người dân canh tác thiếu khoa học gây nên. Số phận của cây tiêu sẽ không “bi đát” như hiện nay nếu như các cơ quan hữu quan có các hướng dẫn kỹ càng về phương pháp chăm sóc cho nông dân, cũng như nếu như người nông dân không vì lợi ích trước mắt mà chạy theo phong trào, trồng tràn lan, dẫn đến dịch bệnh tràn lan... Điều này vô tình lại là nguyên nhân quan trọng làm cho cây tiêu dần bị loại bỏ ra khỏi sự chọn lựa của nhiều nông dân.

Dịch bệnh hoành hành

Về An Bình hôm nay không còn thấy những vườn tiêu xanh mướt mắt, mà thay vào đó là những vườn cao su đang dần thay thế. Diện tích trồng cao su tại An Bình hiện đã tăng gấp 10 lần diện tích cây tiêu. Không khó để có thể thấy những trụ tiêu chỉ còn trơ trọi dây tiêu chết khô không người chăm sóc. Diện tích trồng tiêu tại An Bình vài năm trở lại đây giảm mạnh do nhiều người đã bắt đầu tỏ ra nản chí với loại cây trồng này. Thêm vào đó, giá tiêu tại thời điểm này chỉ vào khoảng 130.000 đồng/kg. Với giá này, tuy không bằng với giá thời hoàng kim của cây tiêu, nhưng vẫn mang lại nguồn lợi cao cho người trồng tiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói là có mấy hộ còn tiêu để bán khi hầu hết các vườn tiêu đều trơ trọi dây tiêu chết khô hay đã già cỗi! Số diện tích cây tiêu còn lại của An Bình tính đến hôm nay chủ yếu vẫn là những vườn tiêu già cỗi hoặc mới được thay thế chưa cho thu hoạch của một số hộ gia đình có ít đất không thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, cũng có một vài hộ gia đình do đã trồng được nhiều cao su nay trồng thêm một ít tiêu để có thể tiếp tục có thu nhập khi ngưng khai thác cao su.  

Mặc dù bị dịch bệnh hoành hành nhưng tại An Bình vẫn còn nhiều vườn tiêu xanh tốt

Cũng như nhiều địa phương khác, dịch bệnh chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bi đát đối với cây tiêu An Bình. Một nguyên nhân khác là do kỹ thuật chăm bón không đúng chuẩn nên nhiều diện tích đất trồng tiêu đã bị bạc màu, làm cho cây tiêu không phát triển được. Nhiều người đem phân chuồng đổ vào vườn tiêu nhằm tăng thêm độ màu mỡ cho đất, nhưng do không xử lý phân tốt đã vô tình tạo ra môi trường cho các loại nấm bệnh phát triển. Cùng với các nguyên nhân nói trên, do chưa tìm được giống tiêu đúng chuẩn do những đơn vị có uy tín cung cấp nên người dân tự mua giống tại các vườn lân cận về trồng và chỉ sau một thời gian, các loại giống này bị thoái hóa làm giảm năng suất cây tiêu. Chính vì vậy khi dịch bệnh xảy ra thì lây lan trên diện rộng, rất khó xử lý.

Vài năm gần đây, người trồng tiêu tại An Bình còn khốn đốn với một loại bệnh mà nhiều người gọi là “bệnh chết nhanh”. Anh Nguyễn Văn Trường, một người trồng tiêu lâu năm ở ấp Đồng Tâm cho biết do không có nhiều đất để trồng cao su nên anh chọn trồng tiêu. Mặc dù được chăm sóc cẩn thận nhưng vườn tiêu của gia đình anh cũng không thoát khỏi sự hoành hành của dịch bệnh. Hôm chúng tôi tìm đến nhà anh thì thấy anh đang phá bỏ những trụ tiêu đã chết do bệnh. Qua quan sát, nhiều trụ tiêu trong vườn anh Trường chỉ còn lơ thơ vài đốt bám trên trụ đã khô. Anh Trường buồn rầu cho biết, có những trụ tiêu đang xanh mướt vậy nhưng chỉ 2 - 3 ngày là héo khô, không có thuốc nào trị kịp. Các trụ tiêu đã chết thì dù có trồng đi trồng lại bao nhiêu lần cũng chết mặc dù anh đã cải tạo đất rất kỹ hoặc múc đất cũ đi để đổ đất mới vào. Khi thấy một số cây tiêu của gia đình mắc “bệnh chết nhanh”, anh Trường đã bỏ công tìm hiểu thông tin và tham dự nhiều buổi tập huấn về cây tiêu để áp dụng các phương pháp học được trị bệnh cho cây tiêu vườn nhà, nhưng không mấy ăn thua! Theo anh Trường, gia đình anh do ít đất nên chưa phải là người chịu thiệt hại nặng nhất vì dịch bệnh chết nhanh trên cây tiêu. Tại An Bình hiện có rất nhiều người “sống dở, chết dở” vì loại bệnh này hoành hành trên cây tiêu, nên họ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra phương pháp có thể trị được bệnh để cứu tiêu, cùng với đó là các hỗ trợ về giống chuẩn và phân bón.

Mong muốn khôi phục

Mặc dù dịch bệnh hoành hành, nhưng nhờ may mắn nằm “ngoài vùng phủ sóng” hoặc điều trị bệnh kịp thời nên trên địa bàn An Bình hiện vẫn có những vườn tiêu xanh tốt và cho thu nhập ổn định. Anh Tống Công Phương cùng ngụ tại ấp Đồng Tâm với anh Trường, hiện có vườn tiêu xanh rờn, ít dịch bệnh. Anh Phương cho biết, trong một lần xịt thuốc trị bệnh nấm Corynespora cho cây cao su, anh đem xịt thử loại thuốc này cho tiêu và nhận thấy “bệnh chết nhanh” trên cây tiêu vườn nhà anh giảm 80 - 90%. Hiện nay, 1.000 nọc tiêu 4 năm tuổi của gia đình anh vẫn phát triển xanh tốt, mỗi năm cho sản lượng trên dưới 2 tấn tiêu hạt, đều đặn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Phương chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi đã có vài ha cao su nên trồng thêm tiêu để tăng thêm thu nhập. Nếu cây tiêu không bị bệnh và giữ giá như hiện nay thì 1 sào đất trồng tiêu có thu nhập bằng 1 ha cao su. So với các loại cây trồng khác thì hiệu quả kinh tế mà cây tiêu mang lại vẫn đứng đầu”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân An Bình cho biết mặc dù đã bị thiệt hại nặng nề bởi cây tiêu, nhưng họ vẫn mong muốn tiếp tục gắn bó với loại cây trồng này. Qua tìm hiểu, hầu hết người trồng tiêu ở An Bình mong muốn các cơ quan hữu quan nhanh chóng vào cuộc giúp họ khôi phục lại các vườn tiêu. Ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết cây tiêu của An Bình thoái hóa là do chưa có trung tâm nào chuyên nghiên cứu để cung cấp giống tốt cho bà con nông dân. Cây tiêu tuy khó trồng, chi phí đầu tư cao hơn cây cao su nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao và phù hợp với những hộ nghèo, ít đất. Để có thể khôi phục lại các diện tích trồng tiêu tại địa bàn thì cần phải thực hiện phân tích mẫu đất để tìm ra hướng khắc phục, cũng như tìm ra loại giống phù hợp trong tình hình hiện nay. “Thông qua báo chí, chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn để có thể khôi phục lại vùng tiêu của tỉnh”, ông Quang nói.

CAO SƠN