Tích cực xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

Thứ bảy, ngày 23/02/2019

Thực hiện Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng môi trường sống lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(BDO)

 Hội Bảo trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh trao quà Trung thu cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt

 Những tiêu chí đều đạt và vượt

Hiện toàn tỉnh có 308.640 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 14,9% dân số trong tỉnh, trẻ em dưới 6 tuổi là 123.681, chiếm 5,97%. Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là xã, phường, thị trấn có môi trường sống an toàn, thân thiện. Ở đó, trẻ em có cơ hội được phát triển toàn diện, được hưởng các quyền cơ bản như: Quyền được sống, được phát triển, được bảo vệ và được tham gia. Với 15 tiêu chí đã được ban hành, hiện tại tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt 15 tiêu chí này. Có 91/91 xã, phường, thị trấn đạt điểm tối đa (75 điểm) cho tiêu chí tỷ lệ trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lang thang kiếm sống, làm việc xa gia đình. Có những tiêu chí đạt mức điểm tương đối khá cao, đạt tỷ lệ 100% như tiêu chí trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc. Hay tiêu chí tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt trên 97%. 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, rèn luyện thể chất cho trẻ em. Không những thế, các địa phương còn triển khai các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em như: Điểm tham vấn trẻ em tại cộng đồng, câu lạc bộ quyền trẻ em, ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, sữa học đường, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

Thực hiện phong trào “Xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em”, công tác chăm sóc trẻ em tại địa phương luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hàng loạt các hoạt động thiết thực đã được diễn ra như: Tổ chức Trung thu cho trẻ, chắp cánh ước mơ tuổi thơ, chương trình “Trại hè thiếu nhi” với hoạt động vui chơi văn hóa văn nghệ, diễn đàn về Quyền trẻ em, lắng nghe trẻ em nói… Qua đó đã có hàng trăm phần quà, học bổng được trao, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đặc biệt, Hội đồng Bảo trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh luôn tích cực thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Từ năm 2014- 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động xã hội hóa được gần 35 tỷ đồng, trong đó năm 2018 đạt 8,8 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, hệ thống lớp học tình thương ở các xã, phường, thị trấn đã giúp cho con em công nhân tiếp tục ước mơ đến trường.

Khắc phục khó khăn

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức cá nhân và gia đình quan tâm, chăm lo tốt hơn. Tuy nhiên, do tỉnh thu hút số lượng lớn lao động từ các nơi khác đến lao động và sinh sống ngày càng nhiều dẫn đến tỷ lệ tăng dân số cơ học, kéo theo tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp đã tác động đến trẻ em như: Nạn bạo hành, xâm hại, ngược đãi, tai nạn thương tích, trẻ em di cư, trẻ em lao động sớm, lao động nặng nhọc… Những nguy cơ này đã và đang đặt ra cho Bình Dương những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) tỉnh, cho biết được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cung cấp nhiều hơn nữa các loại tài liệu, tờ rơi có nội dung đến xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để giúp tỉnh nhân rộng, phổ biến tại địa phương. Hơn nữa, sở cũng kiến nghị Bộ LĐ- TB&XH nâng mức điểm đạt chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; sửa đổi, bổ sung các tiêu chí sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nâng khung điểm xã, phường, thị trấn chuẩn phù hợp với trẻ em, đạt số điểm từ 800/900 điểm. Với khung điểm hiện nay từ 650/750 thì rất dễ đạt được nên tinh thần phấn đấu của các địa phương giảm sút. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng nên xem xét lồng các chỉ tiêu quy định xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em vào các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu ấp văn hóa, đô thị văn minh… làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 KIM HÀ