Tích cực triển khai đề án một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện
(BDO) Trong thời gian qua, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) của tỉnh đã lần lượt làm việc với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm phối hợp tổ chức triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại (MC, MCLTHĐ). Trao đổi với Báo Bình Dương, ông Trương Công Huy, Giám đốc TTHCC cho biết, tính đến tháng 7-2016, có 8/9 Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của tỉnh đạt chuẩn hiện đại.
- Ông có thể cho biết mục đích, nội dung làm việc với cấp huyện về việc triển khai mô hình cơ chế MC, MCLTHĐ tại các huyện, thị xã, thành phố?
- Trong tháng 6-2016, TTHCC đã làm việc với Văn phòng HĐND - UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng ban liên quan về tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hiện đại cấp huyện nhằm tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm và địa phương trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp (DN). Thông qua các buổi làm việc cũng nhằm tháo gỡ các vấn đề tồn tại, vướng mắc để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quảtheo cơ chế MC, MCLTHĐ.
Nội dung các buổi làm việc tập trung các vấn đề về triển khai thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3- 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thực hiện cơ chế MC, MCLTHĐ tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; niêm yết, công khai TTHC; tình hình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC và trả kết quả, việc trang bị và kết quả sử dụng thiết bị phần cứng, phần mềm phục vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; thu thập lấy ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị…
- Ông nhận định như thế nào về kết quả triển khai đề án cơ chế MC, MCLTHĐ cấp huyện tại 9 huyện, thị xã, thành phố?
- Tính đến tháng 7-2016, có 8/9 Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện của tỉnh đạt chuẩn hiện đại. Riêng huyện Bàu Bàng do chưa xây dựng trụ sở hành chính cấp huyện nên tổ chức thực hiện mô hình MC, MCLT theo hướng hiện đại. Hiện nay, huyện Bàu Bàng đã phê duyệt dự án xây dựng bộ phận một cửa và trang thiết bị, dự kiến đến cuối năm 2016 khánh thành đưa vào hoạt động Bộ phận MC, MCLTHĐ.
Qua các buổi làm việc tại các địa phương cho thấy, đa số Bộ phận một cửa tại UBND cấp huyện được bố trí diện tích bảo đảm theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản được bảo đảm. Các thiết bị phục vụ người dân, DN cũng được trang bị theo đúng quy định. Trang thông tin điện tử cấp huyện cho phép tra cứu TTHC và tình trạng giải quyết hồsơ… Các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công khai số điện thoại lãnh đạo cấp huyện để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về TTHC. Mặt khác, đa số các lĩnh vực thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện đều được thực hiện tại bộ phận một cửa, kể cả chi nhánh Văn phòng đăng ký đất thuộc Văn phòng đăng ký đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng thực hiện một cửa chung với UBND cấp huyện. 9/9 địa phương đã thực hiện phần mềm MC, MCLTHĐ cấp huyện; nhân sự bộ phận một cửa cấp huyện được bố trí đầy đủtừ 10- 15 CBCC, có bố trí CB thu phí riêng, trả kết quả riêng và ký kết trả kết quả qua bưu chính. Một số huyện bố trí nhân sự hướng dẫn ban đầu, tư vấn pháp lý hoàn thiện hồ sơ để giảm chi phí tuân thủ TTHC, được người dân và DN đánh giá cao như: TX.Thuận An, TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên.
- Việc niêm yết và giải quyết TTHC tại các huyện, thị xã theo ông có đạt yêu cầu đề ra?
- Việc niêm yết công khai TTHC cơ bản thực hiện niêm yết công khai theo Quyết định 334 của tỉnh, kết hợp niêm yết các văn bản QPPL mới đểngười dân, DN tìm hiểu, thực hiện. TX.Dĩ An là nơi thực hiện tốt nhất việc niêm yết công khai TTHC, kết hợp quy trình ISO và tích hợp quy trình giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa. Nhìn chung, mô hình MC, MCLTHĐ cấp huyện được tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện thời gian qua kết hợp với xây dựng mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện” đã góp phần thực hiện cải cách hành chính, quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ngày càng giảm, tỷ lệ hài lòng của người dân, DN ngày càng cao, tạo sự thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện TTHC nhằm xây dựng một nền hành chính phục vụ hiệu quả, minh bạch, gần dân, trọng dân hơn.
- TTHCC có kiến nghị gì đối với bộ phận một cửa cấp huyện, thưa ông?
- Để cơ chếMC, MCLTHĐ thực hiện đúng Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh CCHC, TTHCC đã đề nghị Bộ phận một cửa cấp huyện lưu ý tổ chức thực hiện tốt các nội dung công việc như: Nghiêm túc thực hiện công khai TTHC theo thực tế tiếp nhận, nhất là mẫu đơn, tờ khai; tăng cường lĩnh vực thực hiện một cửa, hướng tới đầu năm 2017 có 100% lĩnh vực thực hiện một cửa, kể cả các TTHC tiếp nhận và giải quyết trong ngày; ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện liên thông và cung cấp dịch vụ hành chính công ở mức độ 3, mức độ 4 theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Song song đó, bộphận một cửa cấp huyện phải nghiêm túc thực hiện việc nhập thông tin, xử lý TTHC trên phần mềm một cửa cấp huyện, định hướng liên thông cấp tỉnh và xã.
Trung tâm cũng đặc biệt lưu ý các huyện là mọi hoạt động giao tiếp với công dân, tổchức phải thực hiện bằng văn bản: Thư xin lỗi khi trễ hạn, yêu cầu bổ sung hồ sơ bằng văn bản và có chế tài đối với CBCC vi phạm, giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến góp ý và đo lường sự hài lòng của người dân, tổchức, kết hợp thực hiện điều tra xã hội học để mang lại sự hài lòng cao hơn. Song song đó, UBND cấp huyện cần thực hiện đầy đủ chế độ phụ cấp, trang phục và đào tạo bồi dưỡng cho CBCC một cửa. Điều quan trọng nhất là phải quan tâm nhắc nhở, điều chỉnh thái độ, lề lối làm việc của cán bộ một cửa để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN.
- Xin cảm ơn ông!
HỒ VĂN (thực hiện)