Tích cực triển khai các biện pháp phòng chống vi rút Zika

Thứ tư, ngày 21/09/2016

Tại Nhật Bản và Đài Loan mới đây đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika liên quan đến lưu trú tại Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương trong cả nước tăng cường triển khai quyết liệt các biện pháp giám sát và phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Bình Dương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống, đồng thời tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm bệnh do vi rút Zika…

(BDO)

 Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng chính là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika. Do đó, diệt muỗi, diệt lăng quăng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất và mọi người dân đều có thể thực hiện được

 Diễn biến còn phức tạp

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do có mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika và các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh; đồng thời cho rằng sự lan truyền của vi rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng cho biết, 2 ca nhiễm vi rút Zika có liên quan đến lưu trú tại Việt Nam mới đây đều là người nước ngoài. Theo đó, ngày 13-9, cục đã nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Đài Loan (Trung Quốc) về việc ghi nhận một trường hợp công dân nam, (63 tuổi), người Đài Loan xác định nhiễm vi rút Zika sau khi tham dự đám cưới tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 28-8 đến ngày 4-9-2016. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, sưng hạch và đau đầu từ ngày 6-9 và sau đó nhập viện tại Đài Loan vào ngày 8-9. Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu nước tiểu của bệnh nhân dương tính và mẫu huyết thanh âm tính với vi rút Zika.

Thông tin về trường hợp nhiễm vi rút Zika thứ 2 có liên quan đến lưu trú tại Việt Nam, ngày 15-9, Cục Y tế dự phòng biết, đây là công dân người Đức (không phải là người Việt Nam như thông báo trước đó). Người này, hiện đang làm việc tại Việt Nam, sống tại TP.Hồ Chí Minh và trong thời gian vừa qua có đi du lịch tại Nhật Bản. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn và trở về Việt Nam.

Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt gần đây có xu hướng gia tăng tại các nước khu vực Đông Nam Á, ngày 19-9, Bộ Y tế các nước ASEAN đã tổ chức họp trực tuyến đặc biệt ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika. Theo đó, tính đến ngày 19-9, có 7/10 quốc gia của ASEAN đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika trong nước (riêng Lào, Brunei và Myanmar chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Zika). Theo dự báo của Bộ Y tế, trong thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp nhiễm vi rút Zika mới do Việt Nam đã lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng. Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa, thuận lợi cho việc truyền bệnh từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng dẫn đến nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh.

Tăng cường giám sát phát hiện

Ngày 19-9, Sở Y tế Bình Dương đã có công văn khẩn gửi các đơn vị y tế trực thuộc, Bệnh viện Đa khoa Cao su Dầu Tiếng và các cơ sở y tế ngoài công lập về việc tăng cường cảnh giác phát hiện sớm bệnh do vi rút Zika. Theo yêu cầu của Sở Y tế, các đơn vị cần tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn, tổ chức xử lý triệt để nhằm khống chế không để dịch bùng phát và lây lan.

Riêng các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), cần tổ chức phổ biến, tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Zika” ban hành kèm theo Quyết định số 439/QĐ-BYT ngày 5-2- 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị tại khoa khám bệnh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi, khoa truyền nhiễm, khoa thần kinh, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm và các đơn vị, bộ phận liên quan. Các cơ sở KCB phải phối hợp với hệ thống y tế dự phòng trong việc lấy và gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm tại Viện Pasteur, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để phát hiện ca bệnh và cách ly điều trị người bệnh. Đặc biệt lưu ý các ca bệnh nghi ngờ do vi rút Zika tại các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã do các triệu chứng của bệnh này nhẹ với các biểu hiện sốt, ban dát sẩn trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt. Ngoài ra, cần chú ý các biến chứng về thần kinh Guilain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư để phục vụ tốt việc thu dung, điều trị các ca bệnh nghi ngờ do vi rút Zika. Vệ sinh môi trường, cảnh quan, phun diệt muỗi trong bệnh viện, các phòng bệnh, cung ứng đủ màn cho người bệnh điều trị nội trú, tuyên truyền để người bệnh, người chăn nuôi hiểu và phòng tránh muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

 HỒNG THUẬN