Tích cực phòng tránh dịch tay - chân – miệng
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm đầu đến nay, cả nước có hơn 57.000 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM) tại 61 địa phương, trong đó 111 ca tử vong; chủ yếu xảy ra ở trẻ nam (hơn 70%), dưới 3 tuổi (chiếm gần 80%). Bệnh TCM ở Bình Dương cũng đang diễn biến kéo dài, phức tạp. Tháng 9 là 374 ca (số liệu chưa đầy đủ), không có tử vong. Lũy tiến 9 tháng, toàn tỉnh có 2.574 ca, tăng gấp 5,2 lần so cùng kỳ, lấy đi sinh mạng 9 em bé khiến cho nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng.
Khi bé sốt, cần đưa bé đến cơ sở y tế khám để kịp thời phát hiện các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Trong ảnh: Khám bệnh cho bé tại PKĐK, Nhà bảo sanh thị xã Thủ Dầu Một
Virus TCM EV 71, có độc lực mạnh nhất đã lây lan sang nhiều người lớn
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết: Năm 2011, viện đã xét nghiệm bệnh phẩm của 174 bệnh nhân có triệu chứng TCM tại BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 TP.HCM và nhiều tỉnh khu vực phía Nam như: Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An... gửi đến. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 43/174 ca nhiễm Enterovirus 71 (EV71), chiếm 25% tổng số bệnh. Đây là chủng virus có độc lực mạnh hơn, là thủ phạm của 13 ca tử vong.
Hiện nay bệnh TCM có chiều hướng tăng trở lại, diễn biến còn phức tạp do mầm bệnh lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng. Cùng lúc, nhiều chủng virus gây bệnh: EV 71, Coxsackievirus A16, EV khiến cho việc dập dịch TCM gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận dịch tễ học, bệnh TCM thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Để tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM, toàn ngành y tế Bình Dương, đặc biệt là tuyến y tế huyện, thị, đã lập đoàn kiểm tra, giám sát chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phun hóa chất khử trùng tại các trường mẫu giáo, mầm non, khu dân cư; cách ly trẻ bệnh, khoanh vùng những điểm nóng, để kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan... Do vẫn còn nằm trong thời điểm bệnh có thể phát triển thành dịch, chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cảnh giác cao độ: Nếu cơ thể trẻ có các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân thường ấn không đau, khi vỡ ra gây những vết loét, nôn ói, tiêu chảy... Cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế, hoặc bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh TCM, tránh biến chứng gây tử vong.
Tích cực hưởng ứng “ngày Thế giới rửa tay bằng xà phòng” để phòng TCM
Kiểm tra công tác phòng chống bệnh TCM, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục YTDP và Quản lý môi trường (Bộ Y tế) nhận định: “Sở dĩ bệnh TCM tăng đột biến có thể do sự biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng virus phát triển gây bệnh. Khó nhất trong công tác phòng chống dịch là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin.” Để chặn đứng dịch bệnh TCM, theo ông, vai trò cá nhân trong chuyện gìn giữ, xử lý môi trường là hết sức quan trọng. Bản thân người dân, cha mẹ trong gia đình, giáo viên trường mầm non, mẫu giáo chăm sóc trẻ, cần thường xuyên rửa tay, ý thức vệ sinh bằng xà phòng, xử lý tốt phân của trẻ mắc bệnh... thì mới mong dịch bệnh không lây lan”.
Cục YTDP đã có công văn gửi Vụ Công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT) đề nghị chỉ đạo các trường chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ, như rửa chân tay sạch sẽ, nếu có trẻ bị bệnh cần cách ly và cho nghỉ học ít nhất 10 ngày. Nếu lớp có 2 trẻ bị bệnh trở lên thì cả lớp cũng được nghỉ học 10 ngày. Sau đó cần làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi bằng Cloramin B 2%, tráng nước sôi bát đũa...
Ngay cả với các bệnh viện, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn điều trị TCM: Bệnh nhân phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng Chloramin B; quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng đun sôi, ngâm dung dịch Chloramin B 2%.
Để phòng tránh bệnh TCM, cả cộng đồng cần tích cực hưởng ứng ngày 15-10, “ngày Thế giới rửa tay bằng xà phòng”. Do bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh và đã lây lan sang người lớn, nên giải pháp ngăn chặn dịch bệnh vẫn là phòng ngừa bệnh lây qua đường tiêu hóa, hô hấp. Ngoài việc rửa tay thường xuyên, các chuyên gia cũng khuyến cáo nên che miệng mũi khi ho, hắt hơi và tránh hôn cháu bé trong mùa dịch bệnh.
BẢO ANH