Tích cực phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi

Thứ tư, ngày 29/05/2019

(BDO) Hiện nay, ngành công thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ nhằm đưa ra các phương án ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của bệnh dịch tả heo châu Phi (THCP). Đồng thời, ngành cũng đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt heo và người chăn nuôi.


Hoạt động mua bán thịt heo trên các chợ tại địa bàn vẫn diễn ra bình thường

Người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt heo

Thời gian qua, ngay sau khi phát hiện bệnh dịch THCP, các cơ quan chức năng đã khoanh vùng dịch bệnh, tổ chức tiêu hủy heo mắc bệnh, kiểm soát chặt khâu vận chuyển gia súc, nhất là khu vực có dịch bệnh cũng đã tăng cường công tác phòng chống dịch. Trong đó, tập trung siết chặt khâu vận chuyển heo từ vùng này đến vùng khác. Các cơ quan chức năng đã thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch tạm thời là chốt cầu Tham Rớt (huyện Bàu Bàng) và cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên) để kiểm dịch 24/24 giờ. Các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ heo trên địa bàn đang được các cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt. Công tác phòng chống dịch bệnh được các ngành chức năng xác định là công việc vừa khẩn cấp vừa lâu dài, điều quan trọng là không để người dân hoang mang, làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và những người làm ăn chân chính.

Theo ngành công thương, hiện người tiêu dùng đã quay trở lại với thịt heo khi hiểu rõ dịch bệnh sẽ không lây lan sang người. Vấn đề này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: “Dịch THCP không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt heo”. Các chuyên gia cho rằng, dịch THCP nếu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt tình trạng giết mổ trái phép, quản lý tốt tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống thì chúng ta không lo thịt nhiễm bệnh sẽ xuất hiện trên thị trường. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng về bệnh dịch THCP.

Theo tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc phụ trách di truyền giống Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho rằng: “Mặc dù dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp nhưng số lượng heo bị tiêu hủy do dịch bệnh ASF sẽ không đến mức ảnh hưởng lớn đến mất cân đối nguồn cung thịt heo trong nước. Nhưng do tâm lý bán chạy heo hơi của người chăn nuôi và người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo là tác nhân chính làm đảo lộn thị trường và sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất cũng như làm mất cân đối cung cầu thịt heo trong nước”. Còn ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt tốt nhất có thể. Bên cạnh việc tăng tần suất giám sát trực tiếp quy trình tiếp nhận và giết mổ, hệ thống Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để bảo đảm an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng. Hiện Saigon Co.op đang phối hợp cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý chất lượng thịt heo, đồng thời cũng phối hợp các nhà cung cấp thịt trong nước có phương án dự phòng cho kịch bản nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch.

Số liệu của Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood trên cả nước không những chưa bị ảnh hưởng, sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ này đang duy trì mức tiêu thụ trung bình 40 - 50 tấn/ngày, tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần. Nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống của Saigon Co.op trên cả nước chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay, điển hình có thể kể đến như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood...

Không bán chạy heo, không lo thiếu nguồn cung

Hiện nay thịt heo hơi vừa tăng trở lại được hơn một tháng sau một thời gian xuống thấp vì ảnh hưởng của bệnh dịch THCP ở các tỉnh phía Bắc, thì những ngày qua giá heo hơi ở Đông Nam bộ lại quay đầu giảm mạnh. Nguyên nhân trước hết là do tác động từ việc một lượng không nhỏ heo hơi từ phía Bắc được chuyển vào Nam do chênh lệch giá khá cao giữa 2 miền. Bên cạnh đó, những thông tin xuất hiện một số ổ dịch THCP cũng đã góp phần quan trọng trong việc “đẩy” giá heo hơi xuống. Tâm lý lo sợ của người dân đẩy sức mua đi xuống, vì thế các đầu mối nhập heo giảm lượng mua khiến thương lái cũng giảm lượng mua. Thêm vào đó, trước thông tin dịch bệnh, một số hộ nuôi heo vùng chưa bệnh bán chạy heo đã dẫn đến tình trạng bị ép giá.

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ và bán heo chạy dịch ồ ạt, khiến nguồn cung tăng đột biến và giá heo giảm sâu. Ông cho biết: “Ngành công thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, nguồn cung, cầu và giá cả thị trường nhằm đưa ra các phương án ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công thương theo tinh thần Công văn số 1470/BCT-TTTN ngày 7-3-2019 gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch THCP và bào đảm cân đối cung cầu mặt hàng thịt heo”. Trong đó, Sở Công thương tập trung triển khai thực hiện một số nội dung như tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt heo. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt heo trên địa bàn chủ động triển khai các phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn với mặt hàng thịt heo tại thị trường trong nước; chỉ đạo phòng kinh tế địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị chức năng để tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt heo và các sản phẩm thịt heo trái phép, chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch. Người tiêu dùng không nên hoang mang, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt heo đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.

Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết, tính đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến. Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá... Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt heo tương đối dồi dào (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng trên vẫn đang tăng trưởng tốt) nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong trường hợp dịch THCP tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch THCP như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt heo nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt heo) để kịp thời có phương án chỉ đạo, hỗ trợ nhập khẩu bù đắp nguồn cung trong trường hợp bị thiếu do dịch bệnh; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng ngừa để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi heo, tránh những tâm lý tiêu cực gây bất ổn thị trường thực phẩm.

TIỂU MY