Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu

Thứ bảy, ngày 14/10/2017

(BDO)  Thực hiện Chương trình Khuyến công năm 2017, 9 tháng đầu năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (KC&TV PTCN) đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

 Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm

9 tháng đầu năm 2017, Trung tâm KC&TV PTCN đã hỗ trợ cho 9 DN, cơ sở CNNT đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh. Kinh phí được duyệt là 1.400 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 10.324 triệu đồng, bao gồm các đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy nén khí cho hệ thống cung cấp hơi trong ngành sản xuất, chế biến gỗ gia dụng cho Công ty TNHH Liên Thanh (thị xã Bến Cát). Hỗ trợ ứng dụng hệ thống lò sấy và nồi hơi công nghiệp trong chế biến gỗ cho Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Long Đại Phát (Thuận An). Hỗ trợ ứng dụng máy CNC trong sản xuất chế biến gỗ cho Công ty TNHH Bảo Hưng (thị xã Tân Uyên). Hỗ trợ ứng dụng máy phân loại nhân hạt điều cho Công ty TNHH Duy Linh (huyện Bàu Bàng). Hỗ trợ ứng dụng máy sản xuất giấy lõi tổ ong cho Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại He Vi. Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc thiết bị trong khâu hoàn thiện sản phẩm đan mây tre lá cho Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất (thị xã Tân Uyên) và hỗ trợ ứng dụng hệ thống máy cưa xẻ gỗ cho Công ty TNHH Gỗ Nam Mỹ (huyện Dầu Tiếng).

Cũng nằm trong chương trình hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, trung tâm KC&TV PTCN đã tích cực thực hiện công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Nổi bật trong chương trình này là hỗ trợ DN tham gia Hội chợ Triển lãm để quảng bá sản phẩm và giao thương. 9 tháng đầu năm 2017, trung tâm đã tổ chức cho DN tham gia 3 hội chợ lớn: Hội chợ Thương mại - Triển lãm sản phẩm CNNT tại Trà Vinh, Phú Yên và Hà Nội. Gồm các gian hàng chung của tỉnh trưng bày các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực như: Sản phẩm đậu phọng Ngon của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Chế biến nông sản Ngon, sản phẩm tiểu thủ công của HTX Mây Tre Lá Ba Nhất và Công ty Cổ phần Quang Minh, sản phẩm sơn mài của Công ty TNHH TM-DV Sơn mài Thanh Bình Lê, Công ty TNHH MTV Sơn mài Tư Bốn, Thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Vũ Nhật Nam, bóp, ví, dây nịt của Công ty Cổ phần Đầu tư trăn, cá sấu Ngọc Sơn, gốm sứ của DNTN SX-TM Hiền Hòa, DNTN Như Ngọc, quạt công nghiệp của Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng.

Là một trong top 5 tỉnh quan tâm, “bơm vốn” nhiều nhất cho công tác khuyến công

Tại Hội nghị Khuyến công khu vực phía Nam tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Cục Công nghiệp địa phương đã biểu dương các tỉnh, thành phố quan tâm bơm vốn nhiều vượt bậc cho hoạt động khuyến công. Trong đó có Bình Dương. Được biết năm 2017, tỉnh Bình Dương cấp kinh phí khuyến công trên 4 tỷ, tăng gấp đôi so các năm trước. (Theo Quyết định số 1877/QĐ-UBND ngày 20- 7-2016 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bình Dương đến năm 2020, hàng năm bố trí ít nhất 5.000 triệu đồng để thực hiện các nội dung chương trình khuyến công). Nhờ vậy, trung tâm khuyến công tổ chức được thêm nhiều hoạt động hỗ trợ DN thiết thực và hiệu quả. Qua đó, đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương và của nhân dân trong tỉnh đã tạo ra những bước đột phá mới trong quản lý và điều hành chương trình khuyến công. Các cán bộ liên quan đến hoạt động khuyến công đều được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về khuyến công, trong đó có công tác thẩm định đề án và thẩm định kinh phí, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công được thông thoáng, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở CNNT.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiến nghị: Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách khuyến công về kỹ năng xây dựng đề án, thẩm định nội dung và kinh phí hỗ trợ, khởi sự cho DN, quản lý DN, các chương trình mang tính đặc thù CNNT, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công, tiến tới chuyên nghiệp hóa công tác khuyến công, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở CNNT.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên rà soát và thống nhất với Bộ Tài chính xem xét, quy định lại nội dung chi, nâng mức chi hỗ trợ một số nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT: Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới.

Giải pháp xây dựng chuỗi liên kết phát huy thế mạnh DN, địa phương

Tham gia tham luận và phát biểu tại hội nghị Khuyến công khu vực phía Nam, bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc TTKC&TV PTCN Bình Dương đã nêu lên những điểm mạnh, nổi trội của hoạt động khuyến công Bình Dương theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương và đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh từng vùng, vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của địa phương để hoạt động khuyến công thời gian tới đạt hiệu quả hơn. Theo đó, cần tiếp tục tập trung khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tập hợp liên kết các ngành hàng mà đầu mối là liên kết các hiệp hội của địa phương lại với nhau. Hoạt động khuyến công góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh về các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu, về thị trường và lao động tại địa phương để phát triển CNNT.

Thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát, trao đổi kinh nghiệm để nắm bắt nhu cầu của các cơ sở CNNT, phát hiện những DN tiềm năng phát triển theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, nguồn lao động, khả năng cung ứng sản phẩm tạo thành một chuỗi liên kết phát huy thế mạnh của địa phương. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công, vừa phát huy được thế mạnh của địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.

Nhìn chung, công tác khuyến công của tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CNNT bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế tại địa phương. Đặc biệt, với giải pháp liên kết vùng, tạo chuỗi liên kết phát huy thế mạnh của địa phương, sẽ là cơ hội mới đối với DN Bình Dương trong thời cạnh tranh và hội nhập.

Cục Công nghiệp địa phương đề ra 12 giải pháp chính để hoàn thành kế hoạch năm 2017: Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công gắn với việc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2017 của Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP tại Quyết định số 47/QĐ-BCT ngày 9-1-2017, Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công, bảo đảm hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định mới về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Đổi mới đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin về công nghiệp, khuyến công. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng. Huy động thêm nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, phối hợp hoạt động giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo.