Tích cực chuẩn bị cho lễ rước kiệu Bà diễn ra an toàn, văn minh
Theo dự kiến, lượng khách tham gia lễ hội chùa Bà năm 2012 sẽ tăng cao. Vì thế, Ban chỉ đạo lễ hội rằm tháng giêng TX.TDM đã có kế hoạch chỉ đạo, phân công trách nhiệm từng ngành, đơn vị cùng phối hợp bảo đảm cho lễ hội rước kiệu Bà diễn ra an toàn, văn minh.
Lễ rước kiệu Bà tại Lái Thiêu (TX.Thuận An) năm 2011
Lễ hội của người Hoa tại Bình Dương
Người Hoa ở Bình Dương gồm bốn bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Hẹ với khoảng trên dưới 10.000 người. Người Hoa làm đủ các ngành, nghề để sinh sống, chủ yếu và phổ biến nhất là nghề buôn bán và các nghề thủ công như sản xuất gốm sứ, kim hoàn, mỹ nghệ... Ở đâu họ cũng có lối sống giản dị, vui vẻ, dễ cảm thông và dễ hòa nhập...
Trong sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, ngoài các tập tục thờ cúng trong gia đình, người Hoa tại Bình Dương còn tổ chức các lễ hội như lễ hội chùa Bà tại cung Thiên Hậu, lễ chùa Thổ Long Mộc Linh Không Đàn (thuộc phường Phú Cường, TX.TDM), lễ hội Thất phủ Đại nhân tại Phước An Kiến (chùa ông Bổn), Hà Mỹ Tông Đường, Bích Liên đình (phường Chánh Nghĩa, TX.TDM). Trong đó, tiêu biểu nhất cho đặc trưng văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người Hoa ở Bình Dương là hai lễ hội truyền thống: Chùa Bà Thiên Hậu tại phường Phú Cường và Lễ hội chùa Ông Bổn tại phường Chánh Nghĩa. Trong đó, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà) vào ngày rằm tháng giêng hàng năm tại phường Phú Cường, TX.TDM là một lễ hội có quy mô lớn, thu hút đông đảo không chỉ đồng bào người Hoa mà cả người Việt khắp nơi trong và ngoài tỉnh tham gia...
Ông Vương Vĩnh Thắng, Trưởng bang Triều Châu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa bà Thiên Hậu năm 2012: Hiện tại, số lượng du khách đến viếng chùa bà Thiên Hậu (TX.TDM) vào ngày thường có giảm nhưng không đáng kể, tuy nhiên vào các ngày thứ bảy và chủ nhật vẫn rất đông. Dự kiến số lượng du khách vẫn không thua kém mọi năm, vào khoảng gần 500.000 người. Năm nay, số đoàn lân - sư - rồng và nghệ thuật sẽ được giới hạn ở khoảng con số hơn 40, nhằm tránh tình trạng số đoàn quá đông gây ảnh hưởng đến thời gian tổ chức lễ rước kiệu bà. Rút kinh nghiệm những năm trước, BTC sẽ áp dụng thêm một số biện pháp để tăng cường an ninh tạo điều kiện cho du khách có thể an tâm tham gia lễ rước cộ bà. Ngoài các biện pháp thông thường, năm nay BTC sẽ phối hợp cùng với Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa nhằm hạn chế những trường hợp kẻ gian trà trộn móc túi, giật đồ trang sức... của khách hành hương. Bên cạnh đó, ngoài lực lượng sẵn có, BTC cũng sẽ phối hợp với lực lượng dân quân phường Phú Cường để bảo đảm an toàn cho đoàn rước kiệu, xe hoa...
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó của người Việt và người Hoa ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài việc tổ chức lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Phú Cường (TX.TDM), cộng đồng người Hoa các nơi trong tỉnh như tại Bưng Cầu (phường Hiệp An, TX.TDM), Lái Thiêu (TX.Thuận An), huyện Dầu Tiếng... cũng tổ chức những buổi lễ tương tự. Trong đó, chùa Bà Thiên Hậu huyện Dầu Tiếng đã tổ chức lễ rước kiệu Bà Thiên Hậu vào ngày 2-2 vừa qua, với sự tham gia của 40 đoàn lân - sư - rồng đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Tích cực chuẩn bị cho Lễ hội chùa Bà rằm tháng giêng 2012
Năm 2012, chương trình nội dung lễ hội không thay đổi so với những năm trước nhưng do nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian và đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên nên số người dự lễ hội sẽ kéo dài và dự kiến đông hơn, cao điểm là từ ngày 12 đến 15 âm lịch. Đặc biệt năm nay, ngày 13, 14 âm lịch đúng vào ngày thứ bảy, chủ nhật nên số người đi viếng chùa Bà phường Phú Cường, chùa Bà đang xây dựng tại phường Hòa Phú và tham quan Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến tăng cao, dự kiến một số tuyến đường chính trong nội ô thị xã, tuyến đại lộ Bình Dương đoạn Suối Giữa, ngã tư Sở Sao có thể xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng trật tự công cộng ở một số địa điểm trong nội ô thị xã nên Ban chỉ đạo đã có kế hoạch chỉ đạo, phân công trách nhiệm từng ngành, đơn vị cùng phối hợp bảo đảm ANTT, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo đó, Công an thị xã là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu về các nội dung chỉ đạo chung, liên hệ với Công an tỉnh để có phương án phối hợp phân công, bố trí lực lượng bảo đảm giữ gìn tốt ANTT trước, trong và sau rằm tháng giêng; Ban Chỉ huy Quân sự thị xã và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn quản lý chặt chẽ số cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ an toàn doanh trại, chỉ đạo Ban CHQS phường, xã bảo đảm chế độ trực và huy động lực lượng dân quân tự vệ ở một số địa phương khác tham gia làm nhiệm vụ; Phòng Văn hóa và Thông tin có kế hoạch kiểm tra, ngăn chặn tệ xin xăm, bói toán, mua bán các ấn phẩm xem tướng số, văn hóa phẩm cấm lưu hành, quản lý các đoàn lân - sư - rồng, bảo đảm không gây cản trở giao thông và trật tự công cộng; Phòng Y tế và Hội Chữ thập đỏ bố trí 1 tổ cấp cứu tại chùa Bà Phú Cường và 1 tổ cứu thương tại Ban chỉ đạo Phú Cường; các ngành như LĐ-TB&XH, Đội Quản lý thị trường số 1, Đội Thanh tra xây dựng, Phòng Quản lý đô thị có kế hoạch cụ thể làm tốt nhiệm vụ của mình như phối hợp nhiệm vụ giải quyết tốt số bệnh nhân phong, ăn xin, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, tăng cường quản lý trật tự đô thị, xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông...
Ban chỉ đạo Lễ hội Rằm tháng Giêng cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành điện lực thị xã, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bình Dương, UBND một số phường, xã trong việc bảo đảm nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ công viên cây cảnh, bố trí các phòng vệ sinh công cộng lưu động, vấn đề bảo vệ ANTT ở từng địa bàn quản lý, bố trí các bãi giữ xe, nơi kinh doanh mua bán phù hợp... Riêng bốn bang người Hoa bố trí lực lượng giữ gìn trật tự công cộng bên trong khu vực chùa, mặc trang phục có phù hiệu riêng, bảo đảm trong sân chùa không được sắp xếp mua bán, việc phân lối, bố trí dòng người đi ra, đi vào hợp lý, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy... Với sự chuẩn bị, phân công trách nhiệm cụ thể và hợp lý nói trên hy vọng lễ hội rằm tháng giêng năm nay sẽ diễn ra tưng bừng, ANTT được bảo đảm, mang niềm vui đến cho mọi người.
Thượng tá Trần Minh Hữu, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương:
Sẵn sàng bảo đảm ATGT trong những ngày cao điểm của lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn thượng tá Trần Minh Hữu, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh xung quanh công tác bảo vệ trật tự an toàn giao thông (ATGT) phục vụ khách hành hương Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương...
- Thượng tá có thể cho biết thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu năm 2012, Phòng CSGT Công an Bình Dương đã có những hoạt động cụ thể như thế nào?
Do 2 ngày chính của lễ hội năm nay rơi vào 2 ngày cuối tuần, nên theo dự kiến, lượng du khách và người dân tham dự lễ hội năm nay sẽ đông hơn các năm trước rất nhiều. Thực hiện mục tiêu giữ gìn tốt trật tự ATGT, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, theo chỉ đạo của cấp trên, Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức ứng trực, liên tục tuần tra kiểm soát trật tự ATGT ngay từ những ngày trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn. Hoạt động này sẽ được tiến hành thường xuyên và đẩy mạnh liên tục kể từ mùng 7 tết cho đến khi kết thúc Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương vào chiều ngày rằm tháng giêng.
- Thượng tá có thể nói rõ hơn về các phương án bảo đảm trật tự ATGT Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương, nhất là trong 2 ngày cao điểm 14 và 15 tháng giêng?
- Về phương án cụ thể thì chúng tôi không thể nói rõ vì còn liên quan đến các biện pháp nghiệp vụ. Về cơ bản, Phòng CSGT sẽ tập trung vào việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên các tuyến đường trọng điểm có đông du khách hành hương tham gia lưu thông. Bên cạnh đó, trong ngày cao điểm rằm tháng giêng có tổ chức rước kiệu Bà, Phòng CSGT sẽ bố trí các chốt chặn tại các khu vực trọng yếu dẫn vào khu vực lễ hội. Dự kiến, sẽ có từ 6 điểm chốt chặn - kiểm soát trật tự ATGT như vậy trở lên ở xung quanh khu vực tổ chức lễ hội, rước kiệu. Ngoài ra, Phòng CSGT cũng sẽ bố trí 1 điểm chốt chặn - kiểm soát trật tự ATGT trên tuyến đường sông Sài Gòn. Tóm lại, Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ phối hợp cùng với các lực lượng, ban ngành của địa phương cũng như của tỉnh để kiểm soát tốt nhất tình hình trật tự ATGT trong dịp lễ hội.
- Xin cảm ơn đồng chí.
LONG VĨNH (thực hiện)
BÌNH MINH