Tích cực bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp
(BDO) Nhận thức rõ vai trò của đa dạng sinh học đối với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) cũng như kéo giảm số vụ vi phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép.
Lực lượng Kiểm lâm Bình Dương phối hợp với các đơn vị thả ĐVHD về môi trường tự nhiên
Chiến lược quốc gia
Trên thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một hoặc nhiều mắt xích quan trọng của chuỗi sinh thái tự nhiên. Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Một số loài chủ chốt trong thế giới tự nhiên biến mất cũng đồng nghĩa với nguy cơ biến mất của những loài lân cận. Vì thế, bảo vệ ĐVHD cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài và cũng chính là bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ ban hành đã đề ra mục tiêu cần phải bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Trong chiến lược đã đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể như đến năm 2030 phải cải thiện được tình hình của tối thiểu 10 loài đang bị đe dọa, không có thêm loài nguy cấp nào bị tuyệt chủng…
Chiến lược cũng đề ra các nội dung chủ yếu thực hiện, thúc đẩy công tác bảo tồn các loài hoang dã, nhất là các loài ĐVHD nguy cấp bằng các biện pháp điều tra, đánh giá và liên tục cập nhật, công bố danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm để có biện pháp bảo tồn. Chẳng hạn, tăng cường thiết lập hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, những mạng lưới trung tâm cứu hộ, thực hiện các giải pháp để giảm mối đe dọa tới ĐVHD.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, trong thời gian qua, chi cục đã tiếp nhận nhiều cá thể ĐVHD được người dân tự nguyện bàn giao cho kiểm lâm đưa về cứu hộ, chăm sóc, sau đó thả về môi trường tự nhiên. Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã tiếp nhận 30 cá thể gồm: Vượn, khỉ, trăn, mèo rừng, công, tê tê, rắn hổ chúa, rùa, gấu ngựa, chim cao cát, kỳ đà vân. Số ĐVHD này do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm Bình Dương. Sau thời gian được cứu hộ, chăm sóc tại Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (WAR) tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, những ĐVHD nói trên được kiểm tra sức khỏe bảo đảm đủ điều kiện trở về với môi trường thiên nhiên hoang dã.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm đã tiếp nhận 9 xác động vật hoang dã, gồm: Gấu chó, khỉ, dơi, hổ, báo hoa mai. Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã liên hệ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, giao các xác ĐVHD trên nhằm phục vụ mục đích trưng bày, nghiên cứu và lưu trữ nguồn gien động vật. Ngoài ra, chi cục còn tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ người dân trên địa bàn tỉnh bàn giao động vật rừng quý hiếm thuộc đa số nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính Phủ.
“Có thể nói, đây là kết quả trong công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật mà chi cục đã thực hiện trong thời gian qua. Việc này cho thấy xuất phát từ ý thức người dân ngày càng được tăng cao, công tác tuyên truyền của báo chí đã góp phần mang lại hiệu quả ban đầu tích cực”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho hay.
Bên cạnh phát huy công tác vận động tuyên truyền, ngành chức năng còn triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD; tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 8-6-2023 của UBND tỉnh Bình Dương về việc tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, ĐVHD và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương; nỗ lực kiểm soát, phát hiện mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái pháp luật ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của ĐVHD. Tất cả đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung cho biết thêm, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt, gây nuôi ĐVHD trên địa bàn theo kế hoạch nhằm phát hiện, nhắc nhở chủ cơ sở khắc phục những thiếu sót về chuồng trại, vệ sinh môi trường để bảo đảm an toàn cho ĐVHD, nhất là thú hung dữ, không để ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
THOẠI PHƯƠNG - XUÂN DIỆU