Thụy Sĩ vẫn là nền kinh tế sáng tạo nhất trên thế giới
Ban Thư ký nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ vừa hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2012 xuống 1% so với mức dự báo 1,4%, được cơ quan liên bang này đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
Ảnh minh họa. Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn là nền kinh tế sáng tạo và cạnh tranh nhất thế giới, trong khi các nước láng giềng châu Âu và Mỹ đều bị tụt hạng.
Các nhà kinh tế tại SECO cho biết Thụy Sĩ đang cố tránh rơi vào suy thoái sau khi mức tăng trưởng trong quý II-2012 suy giảm, tuy nhiên, tình trạng suy giảm toàn cầu sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Trong tháng 8 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa đã tăng lên 2,9%. Số người không có việc làm có thể sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến cuối năm, trước khi ổn định lại trong năm tới.
SECO cũng đã điều chỉnh giảm dự báo mức tăng trưởng trong năm 2013 từ 1,5% xuống 1,4%. Mặc dù vậy, Thụy Sĩ sẽ không bị rơi vào suy thoái nhờ nền kinh tế trong nước năng động với tỷ lệ lãi suất thấp, giá tiêu dùng giảm và lượng người nhập cư cao.
Tỷ lệ lạm phát của Thụy Sĩ ước tính ở mức âm 0,5% trong năm nay. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá hối đoái của Thụy Sĩ, luôn được Ngân hàng trung ương nước này (SNB) giữ ổn định đồng phrăng so với đồng euro, cũng đã góp phần quan trọng giúp hạn chế sức ép đối với lĩnh vực xuất khẩu.
Nhu cầu yếu trên thị trường thế giới hiện đang tác động tiêu cực đến lĩnh vực này ngay cả đối với các nước xuất khẩu lớn như Đức và Trung Quốc.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng nền kinh tế Thụy Sĩ có sức sáng tạo và cạnh tranh nhất thế giới.
Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2012-2013 của WEF, Thụy Sĩ dẫn đầu trong lĩnh vực sáng tạo là nhờ hệ thống giáo dục tuyệt vời, mức chi tiêu cao của các công ty cho việc nghiên cứu và phát triển, việc hợp tác chặt chẽ giữa giới trí thức và khu vực doanh nghiệp.
Thụy Sĩ đã giữ vị trí quán quân trong 4 năm liên tiếp về một số lĩnh vực như thị trường lao động hiệu quả, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Nền kinh tế Thụy Sĩ lâu nay vẫn được coi là có thể miễn nhiễm khỏi cuộc khủng hoảng ở các nước láng giềng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thậm chí Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I năm nay vẫn tăng ấn tượng.
Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ hiện đã tăng lên hơn 400 tỷ phrăng (419,44 tỷ USD), tương đương với gần 70% GDP của Thụy Sĩ và tăng 9% so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính.
Theo TTXVN