Thủy lợi để chống ngập úng
(BDO) Dù có vị trí địa hình khá cao ráo trong khu vực miền Đông Nam bộ nhưng thời gian qua, cứ khi mùa mưa đến hay khi triều cường, tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh lại xảy ra ở một số khu vực, tuyến đường gây không ít khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và sinh hoạt của người dân. Có thể tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh không quá trầm trọng và chỉ xảy ra ở một số điểm có địa hình trũng thấp hoặc ở một số điểm do cao độ thoát nước chưa phù hợp nhưng cũng đã và đang đặt ra những bài toán cho nhà chức trách.
Trước tình trạng một số điểm ngập úng cục bộ gây bức xúc, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã vào cuộc, có các giải pháp để xử lý khá hiệu quả. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên khả năng thoát nước mặt mỗi khi mùa mưa đến bị hạn chế. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng tiêu cực, cụ thể là triều cường đã và đang có những diễn biến khá bất thường. Chính vì thế, tình trạng ngập úng vẫn còn xảy ra ở một số nơi, gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, đời sống của người dân.
Theo dự báo, biến đổi khí hậu vẫn gây ra những tiêu cực, nước biển dâng, triều cường diễn biến thất thường và thiết lập những đỉnh mới... Đặc biệt, quá trình đô thị hóa tại địa phương tiếp tục diễn ra mạnh mẽ cũng dẫn đến việc gây ngập úng nếu không tuân thủ quy hoạch. Do đó, để bảo đảm tính căn cơ trong việc xử lý ngập úng cục bộ, thiết nghĩ cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch các công trình thủy lợi hướng đến chống ngập úng, bảo đảm kết nối đồng bộ với quy hoạch tiêu thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, công trình thủy lợi kết nối đồng bộ với quy hoạch tiêu thoát nước. Có như vậy mới khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, bảo đảm phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
THÀNH SƠN