Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Cụ thể hóa các nghị quyết với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”
(BDO)
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế; hoàn thành xây dựng Chính phủ số; đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Để hiện thực hóa các mục tiêu, nghị quyết chỉ rõ 5 nhóm quan điểm chỉ đạo và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Chiều cùng ngày, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã truyền đạt chuyên đề: “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia, bao gồm: Hình thành cơ bản kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng...
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, bài bản; đồng thời phân tích, nhấn mạnh các nội dung quan trọng trong các nghị quyết đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Hội nghị Trung ương 6. Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị ngay sau hội nghị quán triệt, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu và thấm nhuần các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6. Việc quán triệt, tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời giới thiệu mô hình mới, cách làm hay trong quá trình thực hiện; kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị triển khai hiệu quả; chú trọng đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của thế lực thù địch.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện nghị quyết khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đơn vị cần khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa các nghị quyết thành chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ thực hiện rõ ràng, hiệu quả, thiết thực, với phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nghị quyết; kịp thời thông tin báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở cơ sở.
Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, tinh thần đồng lòng đoàn kết của nhân dân, các nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
ĐÌNH HẬU