Thương quá, bữa cơm gia đình!
Đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, bữa cơm gia đình là một sinh hoạt truyền thống trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng khi tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm của gia đình, lúc này, sợi dây quan hệ của gia đình cột chặt vào thêm, đồng thời mọi lo toan của cuộc sống dần tan biến nhường chỗ cho tiếng cười nói, chuyện trò của các thành viên trong gia đình.
Bữa cơm gia đình vừa là phong tục, vừa là nhu cầu của người Việt Nam
Lúc còn nhỏ, khi gia đình gặp khó khăn, bữa cơm đạm bạc chỉ có vài cọng rau và mấy quả trứng luộc cho 5-6 miệng ăn ở tuổi đang lớn. Mặc dù thức ăn ít, nhưng anh em thường xuyên nhường nhịn nhau, đứa lớn thì nhường cho em nhỏ. Tuy nhiên, tiếng cường vẫn luôn văng vẳng quanh mâm cơm. Cứ thế, thời gian trôi đi và đám trẻ lớn dần.
Khi tuổi đã lớn, mọi người phải bủa ra đi kiếm tiền lo toan cho cuộc sống. Dù công việc bận đến mấy cũng phải sắp xếp về ăn bữa cơm gia đình thường diễn ra lúc 18 giờ 30 chiều. Người luôn luôn có mặt sớm và tập trung mọi người về dự bữa cơm là mẹ tôi. Ngày trước, khi công nghệ số chưa phát triển, bà luôn bảo là chờ thằng Hai, con Ba… về ăn chung cho vui. Bây giờ, khi tới giờ ăn, bà thường gọi điện thoại để nhắc nhở. Lúc ấy, chúng tôi cảm thấy phiền vì công việc chưa xong mà gọi về ăn cơm, nhưng khi bà quên gọi thì chúng tôi lại thấy thiếu thứ gì đó không thể diễn tả được. Bà muốn anh em ngồi quanh bàn ăn để chuyện trò, để có khen bà nấu có ngon không, công việc như thế nào để anh em cùng chia sẻ. Đối với những người có gia đình ở xa, bà mong tết đến thật mau chóng để bọn trẻ về ăn bữa cơm gia đình ngày tết.
Và cứ thế, hết thế hệ này lớn lên, thế hệ kia tiếp bước, bữa cơm gia đình người Việt trở nên thật thiêng liêng. Nó trở thành một phần trong cuộc sống dù xã hội ngày càng phát triển và ở bất cứ đâu, người Việt vẫn giữ gìn phong tục tốt đẹp ấy. Mẹ tôi cho biết, truyền thống bữa cơm gia đình đã có rất lâu, từ bà ngoại đến mẹ. Còn dì tôi, khi bà qua Mỹ định cư vẫn giữ truyền thống ấy. Ở đó, do bận bịu công việc và khoảng cách địa lý gia đình xa, nên không có bữa cơm gia đình hàng ngày. Bữa cơm gia đình chỉ diễn ra vào ngày thứ bảy, chủ nhật, khi đó, bà nấu cơm cho cả gia đình gồm 8 miệng ăn. Bà cho biết, dù khó khăn khi tìm nguồn thực phẩm Việt để chế biến nhưng khi thấy cả nhà cùng ăn, cùng thưởng thức món ăn truyền thống bên gia đình là niềm hạnh phúc của tuổi già. Trong mỗi bát cơm ấy chứa đựng tất cả niềm vui, phong tục quý giá của người Việt.
MINH PHƯỚC