Thương những mảnh đời bỗng hóa mồ côi - Bài cuối
(BDO) Bài cuối: “Cùng con đi tiếp cuộc đời”
Những đứa trẻ mồ côi sẽ gánh chịu thiệt thòi về mọi mặt, nhất là vấn đề tâm lý kéo theo sẽ ảnh hưởng về học tập, thể chất… Cùng các em bước tiếp cuộc đời, thời gian qua, chính quyền các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã có sự chăm lo, quan tâm kịp thời để các em có một tương lai tươi sáng hơn.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Báo Thanh niên phối hợp tổ chức chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” để chăm lo cho các em học sinh mồ côi do đại dịch Covid-19
“Em nuôi của Đoàn”
Để kịp thời hỗ trợ cho trẻ mồ côi có cha, mẹ mất vì Covid-19, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ. Nổi bật là các chương trình của Đoàn Thanh niên, như: “Em nuôi của Đoàn”, “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, “Nối vòng tay yêu thương”... Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, cho biết các chương trình của Đoàn được triển khai thực hiện với mong muốn chăm lo, hỗ trợ các em mồ côi về vật chất và tinh thần một cách lâu dài, bảo đảm điều kiện phát triển toàn diện và trở thành người có ích trong xã hội. Chương trình triển khai và thực hiện trong cộng đồng thông qua sự chung tay, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để việc hỗ trợ các em, phát huy hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ bảo đảm đúng các quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em. Mong rằng từ các chương trình hỗ trợ này, các em có điều kiện phát triển toàn diện. Trong hành trình tương lai, các em không bao giờ đơn độc vì luôn có những vòng tay yêu thương đùm bọc.
Ngày nhận được học bổng trên tay, em Nguyễn Ngọc Anh Thư, lớp 6/11, trường THCS Dĩ An vui mừng khôn siết. Chia sẻ về niềm vui này, Thư nói: “Em thực sự biết ơn các anh chị trong tổ chức Đoàn - Đội, các nhà hảo tâm đã trao cho chúng em những phần học bổng này, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng và không phụ lòng các cô chú, anh chị đã giúp đỡ”. Được biết, ba của Thư mất trong đợt dịch bệnh vừa qua. Hiện nay, Thư cùng mẹ và em trai đang học lớp 3 sống nương nhờ ở nhà nội. Mẹ thì không có việc làm ổn định. Chính vì thế hai chị em Thư là đối tượng được chương trình bảo trợ lâu dài cho đến năm các em trưởng thành.
“Mẹ đỡ đầu”
Đây cũng là chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam triển khai và được Hội LHPN tỉnh tích cực hưởng ứng. Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, đoàn thể liên quan cũng đã chủ động rà soát số lượng trẻ em mồ côi. Tới thời điểm này có thể chưa đầy đủ, đã có hơn 500 trẻ mồ côi sau đại dịch, chủ yếu là trẻ ở các khu nhà trọ.
Theo bà Nga, mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, được bảo vệ, không bị xâm hại, không bị phân biệt đối xử. Lợi ích tốt nhất cho trẻ em phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình ban hành quyết định liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cộng đồng và gia đình. Đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em là đầu tư cho an toàn xã hội, phát triển con người, là bảo hiểm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, Hội LHPN tỉnh cùng các cấp sẽ vào cuộc, sẽ là “mẹ đỡ đầu” cho các em…
Thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, trên địa bàn tỉnh có 81 em được Quỹ Thiện Tâm chuyển qua tài khoản nhằm hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho các em với mức từ 700.000 đến 1 triệu đồng/em/ tháng tùy hoàn cảnh trong 11 tháng. Mới đây, Hội LHPN và Hội Nữ doanh nhân tỉnh đã ký kết chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thường trú có hoàn cảnh khó khăn, mất người thân bởi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tới thời điểm này, có 38 nữ doanh nhân nhận đỡ đầu, hỗ trợ 105 trẻ từ 1 đến 16 tuổi. Hình thức hỗ trợ được thống nhất quy định chung hỗ trợ các bé hàng tháng 1 triệu đồng trong 12 tháng. Thời gian thực hiện hỗ trợ ít nhất trong vòng 1 năm tính từ ngày 1-12-2021. Ngoài ra, trong thời gian hỗ trợ tùy theo điều kiện của mỗi nữ doanh nhân có thể hỗ trợ thêm tập sách, đồ dùng học tập, sữa, quần áo, máy vi tính học online; cho các bé được tham gia các lớp học năng khiếu ngoại ngữ, vi tính, học võ, học múa…
Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Nối vòng tay yêu thương” - trao 82 suất học bổng bảo trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 tại Bình Dương
Xã hội cùng chung tay
Trong bối cảnh có số lượng lớn trẻ em mồ côi cha, mẹ do Covid-19, Bình Dương đã xác định cần phải có những chính sách chăm lo chu đáo, lâu dài cho các em có hoàn cảnh đặc biệt này. Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết đại dịch Covid-19 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân. Nhiều gia đình mất đi người thân. Nhiều đứa trẻ bỗng chốc hóa mồ côi. Vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải toàn diện, hiệu quả và kịp thời. Riêng với vấn đề an sinh xã hội, cần làm tốt hơn nữa, chăm lo cho tất cả những người đang khó khăn, chăm lo cho người yếu thế, đặc biệt là trẻ em... Vì vậy, điều này rất cần sự chung tay giúp đỡ của mọi người để các em có một tương lai tươi sáng hơn.
Với ý nghĩa đó, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo cho trẻ mồ côi vì Covid-19. Điển hình như Tập đoàn FPT đã công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19. Theo đó, FPT sẽ nhận 1.000 trẻ mất cha, mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Theo đại diện FPT, trước mắt, trường sẽ mở tại FPT City Đà Nẵng, nơi có thể nuôi dưỡng, đào tạo các em từ lớp 1 đến 12 và cả đại học.Trường học sẽ được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân. Đây là mô hình giúp các em hòa đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển, trở thành những người tài quay lại phục vụ quê hương đất nước.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều trẻ em mất đi cha, mẹ, rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa. “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”. Để các em có một tương lai tươi sáng hơn, ngoài những chính sách hỗ trợ đột xuất và lâu dài của Nhà nước, lúc này, các em rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để vơi bớt đi những khó khăn và phần nào bù đắp nỗi đau quá lớn mà các em phải gánh chịu.
THU THẢO - NGỌC NHƯ