Thương những mảnh đời bỗng hóa mồ côi – Bài 1

Thứ ba, ngày 23/11/2021
LTS: Sau làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4, trên địa bàn tỉnh có gần 2.600 ca tử vong; trong số đó có nhiều người tuổi đời còn trẻ. Khi người cha, người mẹ mất đi, những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, bỗng chốc hóa thành mồ côi... Tương lai của các em là cả một chặng đường dài chông chênh. Các em rất cần sự sẻ chia, tiếp sức của cộng đồng xã hội, của những tấm lòng hảo tâm để có một ngày mai tươi sáng.

(BDO) Bài 1: Những đứa trẻ khát sữa mẹ

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 trẻ em có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mất do Covid-19. Trong đó, nhiều em bé mất mẹ khi vừa mới lọt lòng. Các con quá thiệt thòi khi chưa được uống một giọt sữa nào, chưa một lần được cảm nhận bàn tay âu yếm, vuốt ve của mẹ. Sau này, con lớn lên cũng chỉ biết mặt mẹ qua tấm di ảnh... Con sẽ khóc thầm gọi: “Mẹ ơi!”.


Dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi hạnh phúc của cha con anh Nguyễn Minh Đức

“Gà trống nuôi con”

Nằm lọt thỏm ở con đường Phú Chánh 03, phường Phú Chánh (TX.Tân Uyên) có một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ với nhiều thế hệ sinh sống. Ở đó, có những người đang từng ngày trải qua sự buồn thảm, chán chường. Cậu bé đen nhẻm mới 17 tháng tuổi, con của anh Nguyễn Minh Đức suốt ngày quanh quẩn tìm cái gì đó. Theo ba cậu bé: “Trong thâm tâm cháu chắc có lẽ thấy thiếu mẹ nên tìm. Cháu vẫn chưa đủ lớn để biết rằng mẹ đã mất rồi. Hồi trước cháu suốt ngày đu mẹ, nay chuyển sang đu ba, không buông ra làm gì được hết. Cũng phải thôi, bởi cháu đã quá quen thuộc với hình ảnh hàng ngày của mẹ, được ôm ấp vào lòng, đút từng muỗng cơm, ly sữa. Nay bỗng dưng mẹ xa rồi...”.

Nhưng đó chưa phải là tận cùng của nỗi đau. Bên hông nhà, bà ngoại của cậu bé - bà Đặng Thị Điệp đang chăm bé gái mới tròn 29 ngày tuổi. Nhìn cháu, bà ngoại xót xa: “Cả nhà dính Covid-19. Trong đó, tui, thằng rể thứ 4 có bệnh nền và con gái út đang mang thai gần tới ngày sanh nên phải đi cách ly y tế tập trung. Lúc đó, tui cứ nghĩ mình không qua khỏi. Tui nói với con gái: Mẹ có bệnh nền nên chắc khó qua khỏi. Anh em tụi bây sống nhớ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Lúc ấy, con gái Út cứ an ủi: Mẹ cứ suy nghĩ lung tung, rồi ai cũng khỏe mạnh về nhà hết. Nhập viện một tuần, anh rể nó xét nghiệm âm tính nên được về. Hôm đó, cũng là ngày nó trở dạ, chuyển lên Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên. Sinh xong nó vẫn còn khỏe lắm. Nó điện thoại về nói: Mẹ ơi, con sinh xong rồi, xém đẻ rớt luôn”.

Hai ngày sau, anh Đức trong niềm hạnh phúc lên bệnh viện đón con về. Nhưng vui chưa được bao lâu, anh được bệnh viện gọi lên chăm sóc vợ vì cô ấy quá yếu, khả năng tử vong 70-80%. Nhận được hung tin này, bầu trời trước mắt anh Đức như sụp xuống, mắt anh tối sầm. Lẽ nào, ông trời nỡ cướp đi hạnh phúc nhỏ nhoi của anh. Con anh còn quá nhỏ mà... Anh Đức cố gắng chăm vợ, chỉ mong phép màu xảy ra. Nhưng mà, bầu trời thật sự sụp xuống, chỉ 4 ngày sau đó, đúng ngày 20-10, vợ anh đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại 3 cha con anh Đức bơ vơ. Đứa lớn 17 tháng, đứa nhỏ mới 9 ngày tuổi.

Nhìn hai con thơ bé dại, lòng anh Nguyễn Minh Đức quặn thắt. Anh Đức chia sẻ: “Hiện tại, tôi cũng chưa biết tính sao. Trước nay, hai vợ chồng sống tá túc nhà ông bà ngoại. Tuy nghèo khó nhưng vợ chồng thương yêu, đùm bọc nhau. Nay cảnh gà trống nuôi con, anh cũng đang nhờ bà ngoại trong giúp đứa nhỏ. Chứ đứa lớn, từ ngày mẹ mất nó không rời cha nửa bước...”. Còn bà Đặng Thị Điệp cho biết: “Thằng Đức đòi đợi con nó cứng cáp rồi đưa về quê nội ở Bình Phước sống nhưng tui xót lắm, đang khuyên cha con nó ở lại. Tại bà nội tụi nhỏ cũng mất rồi, cháu thì còn đỏ hỏn, 2 người đàn ông sao mà chăm. Tui tính còn 4m ngang đất kế bên nhà, tui cho cha con nó. Tiền cất nhà thì có thể lên phường xin nhà đại đoàn kết. Tui ở nhà chạy tới chạy lui chăm cháu phụ nó...”.

“Bố ơi, mẹ đâu?”

Một hoàn cảnh khác mà chúng tôi tìm đến cũng bi thương không kém. Trong ngôi nhà của mình ở phường An Phú (TP.Thuận An), anh Nguyễn Mạnh Hùng ngồi thất thần. Mắt xa xăm nhớ lại ngày Covid-19 đã cướp đi người vợ, người mẹ của đàn con anh mãi mãi. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, một bó hoa ngày 20-10 dành cho chị vẫn còn mới nguyên.


Bó hoa chúc mừng ngày 20-10 trên bàn thờ vợ anh Hùng vẫn còn mới nguyên

SAU CHUỖI NGÀY DÀI CHỐNG CHỌI ĐẠI DỊCH VỚI BAO MẤT MÁT ĐAU THƯƠNG, MỘT CON SỐ THỐNG KÊ CHƯA ĐẦY ĐỦ KHIẾN CẢ XÃ HỘI ĐAU XÓT, BÌNH DƯƠNG CÓ HƠN 500 TRẺ EM MỒ CÔI VÌ COVID-19.

Nói về hoàn cảnh của mình, anh Hùng không giấu nổi cảm xúc. Anh kể: “Bà xã tôi siêng năng, giỏi giang lắm. Việc nhà, kinh tế gia đình bà quán xuyến hết. Khi bà nằm xuống, cha con tôi chơ vơ... chả biết bắt đầu từ đâu”. Vợ chồng lấy nhau, con cái lần lượt ra đời. Vợ anh đi làm công ty để có thu nhập ổn định. Anh ở nhà trông tiệm thuốc tây nhỏ nhỏ để có thêm thu nhập, vừa lo cơm nước, đưa đón con đi học. Căn nhà đang ở, vợ chồng anh mới sửa sang, dọn về từ năm ngoái, tiền nợ vẫn trả chưa xong.

Chỉ chúng tôi từng bức tranh thêu chữ thập, từng kỷ niệm của hai vợ chồng, anh bảo: “Trong ngôi nhà ấy, mới 2 tháng trước đây thôi, còn tràn ngập tiếng cười, giờ đây chỉ còn tôi cảnh gà trống nuôi con. Từ ngày vợ mất, một mình lo việc nhà, cơm nước, hương khói cho vợ. Nhớ vợ, nhìn con, thương cho hoàn cảnh của mình, tôi cũng chỉ dám khóc một mình. Bởi, tôi phải luôn tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho tụi nhỏ”.

Tội nghiệp cậu con trai thứ 2 mới học lớp 5, hình như cháu chưa quen với cảnh mất mẹ. Lâu lâu cháu lại giật mình hỏi bố: “Ủa bố, mẹ đi đâu rồi”... Rồi chợt nhớ ra, mẹ mất rồi. Nó ngồi khóc... Nhưng bao nhiêu đó đã có thấm vào đâu. Vợ mất, đau xót nhất của anh Hùng chính là bé Nguyễn Xuân Phúc. Mất mẹ khi vừa lọt lòng. Mẹ bệnh, bé phải sinh non, chỉ nặng 1,7kg. Anh Hùng nói: “Trời cũng còn thương. Bà xã có cô bạn mới sinh được 4 tháng. Nên ngày đón Phúc về, cháu được vợ chồng cô bạn đón về nuôi, cho bú nhờ và chăm sóc luôn. Đều đặn ngày hai lần, tôi ghé qua thăm con và mua ít đồ gửi cho cháu. Của ít, lòng nhiều, quý nhau ở tấm lòng”.

Chị ra đi bỏ lại bốn cha con anh với bao ngổn ngang không một lời trăng trối. Trước khi chị mất, anh Hùng cũng không kịp nói với vợ lời cuối cùng. Nghĩ về tương lai của mình, anh Hùng nói: “Năm nay, bên nhà ngoại tới 3 người mất, nên bà ngoại đang suy sụp tinh thần. Chỉ mong bà vượt qua được, vào ở chăm cháu, tôi mới có thể đi làm, ổn định kinh tế được. Chứ bây giờ, bốn cha con chỉ biết nhìn nhau.... Tôi bây giờ là trụ cột gia đình, vừa làm gà trống, vừa là gà mái”.

Hai trường hợp mà chúng tôi gặp rất thương tâm nhưng họ còn có may mắn. Người có nhà riêng, người có ông bà ngoại nương nhờ... Chứ ngoài kia, còn biết bao mảnh đời bất hạnh hơn, bi đát hơn, khi mà... họ không còn nơi để về, không có nơi để tá túc. Một viễn cảnh bi thương chưa có lối thoát… (Còn tiếp)

 THU THẢO - NGỌC NHƯ