Thương nhớ đồng chí Năm Chi

Thứ sáu, ngày 06/07/2012

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được các y bác sĩ tận tình điều trị; lãnh đạo tỉnh và gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí Năm Chi (tên thân mật của đồng chí Cao Văn Chi tức Cao Thiện Nghệ) đã vĩnh viễn ra đi. Đảng bộ tỉnh mất đi một đảng viên trung kiên; gia đình mất đi một người chồng, người cha, người ông mẫu mực; đồng đội mất đi một đồng chí cùng chiến đấu, cùng công tác đã từng chia ngọt sẻ bùi và bạn bè mất một người bạn tốt...

Từ một học sinh yêu nước, cuối năm 1947, khi mới 15 tuổi đồng chí đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng tại cơ quan Mặt trận Việt Minh huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Đến tháng 9-1949, đồng chí được đi học văn hóa ở trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Trong thời gian học tập tại trường, với những thành tích xuất sắc, đồng chí được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 4-3-1950 khi đồng chí vừa tròn 18 tuổi. Tháng 10-1950 có chủ trương tổng động viên, đồng chí được điều về Phòng Quân giới Phân Liên khu miền Tây Nam bộ làm công tác văn phòng ở Binh Công xưởng 138 và làm cán bộ huấn học của Ban Tuyên huấn Đảng ủy Phòng Quân giới.

 Đồng chí Cao Văn Chi (đứng thứ 5, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp tại khuôn viên Tỉnh ủy Bình Dương  (Ảnh gia đình cung cấp) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, đồng chí Năm Chi tập kết ra Bắc và được phân công làm cán bộ Ban Tuyên huấn của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hải Phòng, sau đó được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ Công đoàn của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hải Phòng. Giữa năm 1962, đồng chí được Ban Tổ chức Trung ương quyết định điều động vào chiến trường miền Nam trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở miền Nam, từ tháng 3-1963 đến tháng 12-1965, đồng chí được phân công làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Phước Long. Từ tháng 1-1966 đến tháng 4-1967, đồng chí làm Trưởng Văn phòng Tỉnh ủy Phước Long. Tháng 5-1967, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Trưởng Văn phòng Tỉnh ủy Bình Long, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Hớn Quản rồi Bí thư Thị ủy Bình Long. Đến tháng 6-1971, đồng chí được phân công làm Trưởng Văn  phòng Phân khu ủy Bình Phước. Từ tháng 11-1972 đến tháng 2-1973, đồng chí Cao Văn Chi là Tỉnh ủy viên phụ trách Trường Đảng tỉnh Bình Phước. Sau đó, đồng chí là Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Phước, Phó Bí thư Thị ủy kiêm Chủ tịch UBND thị xã Lộc Ninh đến tháng 2-1976.

Sau khi thành lập tỉnh Sông Bé, từ năm 1976 đến năm 1983, đồng chí là Tỉnh ủy viên tỉnh Sông Bé, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, rồi Bí thư Huyện ủy Bình Long. Trong thời gian từ năm 1983 đến 1989, đồng chí được bầu làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sông Bé. Từ năm 1989 đến năm 1996 đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sông Bé.

Sáng nay (6-7), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Bình Dương; Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ thành phố Thủ Dầu Một; Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường Phú Cường, Ban Lễ tang và gia đình tổ chức Lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Cao Văn Chi về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Bình Long (Bình Phước).

Trong suốt 65 năm tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, quyết liệt và với 62 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù ở cuơng vị công tác nào, đồng chí Cao Văn Chi cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Trong sổ tang đồng chí Cao Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xúc động viết: “Nhớ lại lúc còn làm việc bên nhau, lúc nào Anh cũng là Anh, tình nghĩa, cảm thông, trung thực, thẳng thắn... Anh để lại nhiều tình thương và sự kính trọng của mọi người. Hôm nay vĩnh biệt Anh mà ngỡ lúc nào Anh cũng đâu đây gần gũi, thân thương...”.

Cả cuộc đời của đồng chí Năm Chi từ tuổi thiếu niên cho đến lúc lâm chung, luôn là một tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Đồng chí là một cán bộ Đảng, cán bộ quân đội, cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể luôn trung thành với Tổ quốc, với lý tưởng của Đảng; một người đồng đội, người bạn thủy chung, người chồng, người cha, người ông mẫu mực. “Vô cùng thương tiếc đồng chí Cao Văn Chi, một người đồng chí, người cán bộ cách mạng trung kiên của Đảng, người anh của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Sông Bé, Bình Dương. Chúng tôi nguyện noi gương anh để tiếp tục phấn đấu xây dựng Đảng bộ Bình Dương, quê hương Bình Dương giàu đẹp, văn minh như anh hằng mong ước...”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Minh Sang thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Bình Dương đã viết vào sổ tang đồng chí Cao Văn Chi.

TRÍ DŨNG

* Nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nguyễn Hồng Nguyên: “Anh Chi là người cán bộ hiền hòa, mẫu mực”

 Tôi và anh Chi gặp nhau từ thời còn là tỉnh Sông Bé. Lúc ấy, anh Chi là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, tôi là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Anh Chi là người hiền lành, hòa nhã, sống rất nghĩa tình với anh em đồng chí. Tôi còn nhớ rất rõ ngày đầu thành lập Hội Chữ thập đỏ mọi thứ rất mới mẻ và gặp nhiều khó khăn, không chỉ trong đường hướng hoạt động mà cả tư tưởng lúc bấy giờ cũng chưa được thông hiểu. Lúc ấy tôi là cán bộ y tế, công tác trong quân đội, được tổ chức điều sang nhận nhiệm vụ mới. Chưa am hiểu công việc, chưa được định hình nên tôi có sự lo lắng. Nhờ sự động viên của cấp ủy, trong đó có anh Chi mà tôi đã nhận nhiệm vụ và làm việc hết sức mình vì sự phát triển bền vững của hội. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh: “Đồng chí cứ làm đi, từ công việc thực tế sẽ chỉ dẫn cho mình”. Câu nói ấy qua thời gian 25 năm công tác tôi nhận thấy rất đúng.

Trong công việc anh là cấp trên gương mẫu, luôn giữ gìn, xây dựng tốt mối đoàn kết trong Đảng, là một trong những người có đóng góp rất lớn cho sự trưởng thành của Tỉnh ủy. Ngoài công việc, anh là một người anh gần gũi, kính mến. Anh thường xuyên thăm hỏi, động viên anh em rất mực thân tình. Chính những tình cảm và tấm gương mẫu mực ấy mà thế hệ sau này đã học tập, noi theo, đóng góp không ngừng sức lực và trí tuệ của mình xây dựng cho một Bình Dương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

NGỌC TRINH (ghi)