Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ hướng tới phát triển hài hòa, bền vững
(BDO)
Dây chuyền may xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng; đặc biệt, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngược lại Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5 tới.
Đây là dịp để hai bên trao đổi nhằm hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; đồng thời tiếp tục duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại.
Tăng trưởng ấn tượng
Nhận định về những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết năm 2021, kim ngạch hai chiều lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD là thành quả hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh cũng như đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng đó là sự phối hợp hiệu quả và thành công giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong trao đổi chính sách, nhất là liên quan tới quá trình tham vấn để đạt được thỏa thuận cuối cùng tránh áp đặt thuế quan với Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan hệ đối thoại chính sách thuận lợi trong thời gian tới.
Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau. Phía Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ các nhóm hàng xuất khẩu chính như linh kiện, máy móc điện tử, dệt may, giày dép, nông, thủy sản. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ những nhóm nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất.
Cụ thể như bông phục vụ cho ngành dệt may, nguyên vật liệu gỗ phục vụ cho ngành xuất khẩu gỗ và nội thất hay nhiều loại nguyên vật liệu khác, dược phẩm, hoa quả ôn đới...
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương, tính đến hết quý 1 năm nay, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 29,4 tỷ USD.
Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt giá trị 25,96 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ giá trị gần 3,4 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia thương mại cho rằng nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế. Ngoài ra, xung đột căng thẳng trong thương mại toàn cầu giai đoạn từ năm 2018 đến nay đã tạo ra tác động tự nhiên làm chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Đồng thời, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng đang có dấu hiệu phục hồi tốt, chiến dịch tiêm chủng vaccine được triển khai hiệu quả trên diện rộng, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng với nhiều loại hàng hóa. Qua đó, giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có cơ hội tăng mạnh vào thị trường này.
Hơn nữa, việc Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 giúp duy trì nguồn nhân lực ổn định, đảm bảo hoạt động sản xuất cũng như tính liên tục của chuỗi cung ứng sang thị trường Hoa Kỳ.
Về đầu tư, đến tháng Ba vừa qua, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam như Tập đoàn Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...
Phía Hoa Kỳ cũng thể hiện sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina.
Nắm bắt cơ hội
Các chuyên gia thương mại cho biết dù có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn nhưng Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường khó bậc nhất trên thế giới để hàng hóa thâm nhập.
Một trong những thách thức đầu tiên và luôn được các chuyên gia cảnh báo là hệ thống quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cực kỳ khắt khe, quy định phức tạp, được thực thi hiệu quả với sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào thị trường Hoa Kỳ chia sẻ xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ phải tính đến chuyện 5-10 năm, rất khó để trong một thời gian ngắn có thể đứng vững tại thị trường này.
Hơn nữa, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải là công việc thường xuyên, liên tục để đảm bảo sản phẩm không bị vượt ngưỡng cho phép các loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, công nghệ bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất cũng cần được nghiên cứu, nâng cấp để hàng hóa có thể vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không như hiện nay nhằm giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo ông Bùi Huy Sơn, hệ thống quy chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ được xây dựng ở cả cấp bang, liên bang. Do vậy, đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và kỹ lưỡng mới có thể hiểu, thực hiện và đáp ứng được.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đưa hàng hóa sang Hoa Kỳ còn phải vượt qua những thách thức từ sự thắt chặt chi tiêu của người dân do lạm phát tăng cao; rào cản về môi trường, lao động; cạnh tranh với quốc gia khác; các biện pháp phòng vệ thương mại; khoảng cách địa lý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ông Bùi Huy Sơn cũng lưu ý doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội, nhất là cơ hội từ nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ, khi các dự báo đều đánh giá tốc độ tăng trưởng khá cao trong năm nay.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc hợp pháp, lưu trữ, tổng hợp và phân tích thông tin về chứng từ, hóa đơn với nguồn gốc hàng hóa để kịp thời phối hợp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu điều tra xác minh của cơ quan hữu quan Hoa Kỳ.
Nếu làm tốt công việc này, doanh nghiệp mới có thể chủ động, tự tin và phát triển xuất khẩu bền vững. Hơn nữa, nhu cầu về quảng bá, xúc tiến thương mại trong bối cảnh hiện nay qua kênh thương mại điện tử, tiếp cận thị trường là vấn đề cần thiết để doanh nghiệp thâm nhập và đứng vững tại thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác. Đặc biệt, trụ cột hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã gặt hái được nhiều thành quả to lớn, góp phần đưa tổng thể quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu và thực chất, đáp ứng được lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, năm 2022, Bộ Công Thương dự kiến triển khai hiệu quả, bảo đảm cung ứng đầy đủ các nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ tối đa các nhà máy và khôi phục sản xuất để tạo chuỗi cung ứng và duy trì các đơn hàng giữa Việt Nam và doanh nghiệp các nước; trong đó, có Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường thông tin về thị trường hàng hóa thế giới để doanh nghiệp có thể phản ứng kịp thời, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và thâm nhập thị trường hiệu quả./.
Theo TTXVN