Thương mại điện tử thời hội nhập: Với giải pháp “Ba nhà phối hợp”!

Thứ bảy, ngày 17/09/2016

(BDO) Năm 2015, chỉ số TMĐT của Bình Dương được xếp hạng 4 trong cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Hiện Nhà nước tỉnh Bình Dương đang đồng hành cùng DN và người dân tích cực thực hiện các giải pháp để đưa ngành được mệnh danh là “công nghiệp nội dung số” (DCI) này tiếp tục phát triển.

Nhà nước và Công ty công nghệ thông tin cùng làm

Thực hiện Quyết định số 2691/QĐ- UBND ngày 21-10-2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt chương trình TMĐT năm 2016, ông Phạm Thanh Dũng, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế Bình Dương (XTTM & TTKT) đã khẳng định, TMĐT là một lĩnh vực mới nên để tạo niềm tin cho các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch TMĐT cần có một sân chơi chung với những quy tắc được thống nhất một cách chặt chẽ. Trong đó, vai trò của Nhà nước phải được thể hiện rõ trên hai lĩnh vực: cung ứng dịch vụ điện tử và xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, thống nhất và cụ thể để điều chỉnh các quan hệ TMĐT.

Hiện các trang TMĐT ở Bình Dương hoạt động liên tục với hàng nghìn mặt hàng, đơn cử như văn phòng phẩm, thiết bị, nội thất văn phòng, trường học; máy tính, điện thoại di động, thiết bị giải trí gia đình, bất động sản... DN trên địa bàn Bình Dương có thể tự giới thiệu, quảng bá sản phẩm (SP), hàng hóa và dịch vụ, giao tiếp, liên hệ với đối tác, xúc tiến bán hàng qua mạng... Các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh TMĐT trên các SGD cũng đã hình thành, như dịch vụ thanh toán, thuế, hải quan, giao nhận, vận tải... Tất cả đều được xây dựng trên cơ sở từng danh mục (module) riêng biệt và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tạo lập những khu vực riêng để triển khai dịch vụ của mình. Truy cập SGD, người lướt web sẽ được cung cấp thông tin mới nhất về thị trường, giá cả, đối tác, thông tin pháp luật, môi trường kinh doanh của Bình Dương. Trên trang web bán hàng, các chương trình khuyến mãi, giảm giá của các hãng sản xuất cũng được cập nhật hàng ngày theo từng nhóm, ngành hàng; hình ảnh SP được thể hiện ở nhiều góc độ giúp người dùng cảm nhận tốt nhất về SP trước khi quyết định mua hàng. SGD có chức năng Newsletter, giúp DN gửi tới khách hàng thông tin mới nhất về thị trường, SP mới, chương trình khuyến mãi, giảm giá, SP được họ quan tâm... Hệ thống thống kê cho phép DN định hướng mua sắm tiêu dùng cho khách hàng theo loại hình SP (mới ra mắt, bán chạy, đang có chương trình giảm giá, khuyến mãi, được mua kèm, đã được mua trong các đơn đặt hàng lần trước...).

DN và Nhà nước cùng làm

Những năm gần đây, TMĐT Bình Dương ví như “trăm hoa đua nở”. Với chiến lược tăng tốc phát triển và chủ trương đi vào công nghệ hiện đại, viễn thông (VT) Bình Dương có nhiều bước tiến. Trên địa bàn tỉnh đã có mặt đầy đủ các DN VT và các nhà cung cấp dịch vụ kết nối Internet như: Tổng Công ty BCVT Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty VT Quân Đội (Viettel), FPT và Công ty cổ phần Dịch vụ BCVT Sài Gòn (SPT). Quy mô cung cấp và thuê bao Internet ở tỉnh phát triển với tốc độ 200%/năm. Tham gia phát triển cơ sở hạ tầng VT tại Bình Dương ngoài các DN nêu trên, trong năm qua đã có thêm VT Điện lực (EVN) và Công ty cổ phần VT Hà Nội (HaNoi Telecom)... Tất cả DN này đã áp dụng công nghệ mạng thế hệ sau NGN cung cấp cho khách hàng các dịch vụ truy nhập Internet chất lượng cao, băng rộng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác.

Bên cạnh việc thu hút đầu tư mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, tỉnh Bình Dương cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho lĩnh vực “công nghiệp nội dung số” này. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chương trình TMĐT đã được UBND tỉnh phê duyệt, trung tâm XTTM & TTKT cũng đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về dự thảo đề cương nâng cấp cổng thông tin điện tử và ứng dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 tại Sở Công Thương, để tiến đến thực hiện dịch vụ công tại sở ở mức độ 3, 4 theo chỉ đạo. Ngoài ra trung tâm còn phối hợp với Viện Quản trị kinh doanh (FSB), Đại học FPT xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình tập huấn về chương trình quản trị rủi ro trong TMĐT cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, và vận động các DN tham gia chương trình tập huấn tại Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương.

Giải pháp nâng cao chỉ số TMĐT

Như ta đã biết, ngay từ đầu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã quan tâm tới phương thức TMĐT với việc thông qua Quyết định của các Bộ trưởng WTO về TMĐT toàn cầu. Việc Việt Nam nói chung, Bình Dương nói riêng hội nhập vào nền kinh tế thế giới trong những năm qua có tác động rất lớn tới sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Ngoài việc thu được lợi ích trực tiếp từ các quy định trên của WTO về TMĐT, nhiều cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển TMĐT trong dài hạn, trong đó bao gồm việc mở cửa thị trường TMĐT cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Và sắp tới, với việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngành TMĐT lại càng có nhiều cơ hội, lẫn thách thức.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM & TTKT Bình Dương cho biết: “Phương hướng tới, Trung tâm XTTM & TTKT tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện tốt chương trình TMĐT 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trung tâm đã khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT. Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực như đào tạo, tập huấn kỹ năng quản trị thị trường TMĐT, tiếp tục phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật về TMĐT, đưa cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương đã được nâng cấp vào sử dụng, cung cấp thông tin cho DN và người dân thật đầy đủ và kịp thời, nâng cao các chỉ số về hạ tầng nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, giao dịch trực tuyến giữa DN với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa DN với DN (B2B), chỉ số thành phần giao dịch giữa chính phủ với DN, tiến đến nâng cao chỉ số TMĐT của địa phương Bình Dương”.

Có thể thấy rõ Bình Dương là mảnh đất thuận lợi cho các hoạt động TMĐT, “công nghiệp nội dung số” phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, người làm công ăn lương đã lĩnh lương qua ATM. Một số người tiêu dùng đã mua bán qua mạng và thanh toán bằng thẻ. Nhiều SGD đã trở thành người bạn thân thiết của người tiêu dùng. Thực tế phát triển TMĐT thời gian qua là thành quả của sự phối hợp nhịp nhàng của ba nhà: Nhà nước, DN và người dân. Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, tuyên truyền về các quy định pháp luật, các lớp tập huấn về kỹ năng quản trị mạng, quản trị rủi ro... DN, vai trò chính của kịch bản phát triển TMĐT, đã và đang cố hết sức đứng vững và phát triển trong hội nhập. Người dân Bình Dương, đồng thời là đối tượng thụ hưởng cũng là động lực thúc đẩy phát triển TMĐT. Và trong tương lai, giải pháp chính để phát triển TMĐT vẫn là “ba nhà phối hợp” nhằm nâng cao chỉ số TMĐT của Bình Dương, cố gắng bắt kịp tiến độ phát triển của cả nước và thế giới.

B.A