Thương mại điện tử giàu tiềm năng phát triển

Thứ hai, ngày 12/12/2022

(BDO) Sự ra đời và phát triển rầm rộ của ngành thương mại điện tử (e-commerce) trong những năm gần đây đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ những thuật toán thông minh, các tổ chức, cá nhân đã lập trình hệ thống quản trị kho hàng, vận đơn, khách hàng một cách thông minh, tiết kiệm và sẵn sàng tham gia những cuộc chơi không biên giới.

 Người tiêu dùng lựa chọn mua sắm online vì giá cả cạnh tranh và thuận tiện, linh hoạt trong thanh toán, nhận hàng

 Thị trường nhiều tiềm năng

Khoảng hơn 10 năm trước, khi một số sàn thương mại điện tử quốc tế bắt đầu thăm dò thị trường, một số chuyên gia về kinh tế đã nhận định rằng đây là xu hướng tất yếu của tương lai. Trải qua chặng đường hơn 10 năm phát triển, giờ đây một số sàn thương mại điện tử đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, trở thành nơi ký gửi hàng hóa, quảng bá sản phẩm và giao dịch lý tưởng cho nhà bán hàng.

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công thương) cho thấy, quy mô thị trường lĩnh vực thương mại điện tử trong nước đạt khoảng 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015 và con số này đã tăng lên 7,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2018, đạt hơn 13 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, trong năm 2021, hoạt động thương mại điện tử đã tăng trưởng thêm 31% so với năm trước.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng ghi nhận, tính từ thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, số lượng người dùng đăng ký tài khoản mới trên các sàn thương mại điện tử đã tăng lên hàng chục triệu người. Báo cáo tình hình kinh doanh năm 2022 của một số sàn thương mại điện tử có trụ sở hoạt động trong nước cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhưng số lượng khách hàng, nhà bán hàng và giao dịch của các doanh nghiệp này vẫn có xu hướng tăng.

Mua sắm không biên giới

Với những hiệp định thương mại được nhiều quốc gia cùng ký kết, hoạt động trao đổi thương mại, lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới bằng các con đường chính ngạch, tiểu ngạch… ngày càng thuận tiện. Điều này đã kích thích và tạo ra sự đột phá trong chiến lược phát triển của các sàn thương mại điện tử. Theo đó, từ những năm 2018, một số sàn thương mại điện tử đã chính thức tích hợp và cho phép các nhà bán hàng tham gia tính năng bán hàng quốc tế. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt sớm tiếp cận với người tiêu dùng quốc tế. Ngoài ra, người tiêu dùng Việt cũng vì đó mà dễ dàng tiếp cận, tự tay mua sắm những sản phẩm xuất xứ nước ngoài với mức giá phải chăng.

Thống kê mới đây của Lazada Express, bình quân mỗi người sử dụng internet Việt Nam tăng chi tiêu mua sắm trực tuyến 70,18 đô la Mỹ/ năm. Và tỷ lệ cơ cấu mua sắm trong nước và hàng hóa quốc tế trên sàn thương mại điện tử này ước đạt khoảng 70% hàng trong nước và 30% hàng quốc tế. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi khi nhiều doanh nghiệp, nhà bán hàng quốc tế đã nhìn ra tiềm năng, dư địa của thị trường Việt Nam.

Anh Nguyễn Quốc Tấn, chủ cơ sở quà lưu niệm handmade từ nguyên liệu tre, mây, lục bình… trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, cho biết trước đây anh thuê mặt bằng và mở tiệm ở đường Cách Mạng Tháng Tám. Nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc làm ăn sa sút nên anh quyết định đóng cửa tiệm, làm hàng tại nhà và mở cửa hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ tích cực học hỏi các kỹ năng, kiến thức tối ưu tìm kiếm mà hiện cửa hàng online của anh đã tiếp cận được khá nhiều khách trong và ngoài nước. Doanh số bán ra trong năm 2022 của cửa hàng handmade cũng tăng nhẹ so với trước đây và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo tìm hiểu, sở dĩ hoạt động mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử thường xuyên có chiều hướng tăng mạnh là do các yếu tố như giá cả cạnh tranh, mua sắm dễ dàng thông qua các thao tác trên điện thoại, nhận hàng tại nhà. Ngoài ra, khi mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng còn có thể theo dõi đơn hàng, thực hiện phản ánh, khiếu nại tới ban quản trị sàn đối với những trường hợp doanh nghiệp, nhà bán hàng làm ăn thiếu nghiêm túc, gian lận.

Chị Lê Thị Thúy, người dân khu phố 2, phường Tân Định (TX. Bến Cát), cho biết khi tham gia mua sắm trực tuyến, chị thường chọn những sàn thương mại điện tử uy tín. Tùy mặt hàng mà chị lựa chọn từ những nhà bán hàng uy tín với số lượt đánh giá tích cực (5 sao hoặc 4 sao) cao. Trong trường hợp hàng mua về bị lỗi hoặc không đúng mẫu mã, chủng loại, người tiêu dùng có thể thao tác trên ứng dụng chọn “trả hàng, hoàn tiền”.

 Nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 6/10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Số lượng người dùng thường xuyên tham gia mua hàng trên trang thương mại điện tử trên cả nước ước tính đạt khoảng 49,8 triệu người. Dự đoán đến năm 2025, lĩnh vực kinh tế thương mại điện tử của nước ta có thể đạt 57 tỷ đô la Mỹ và con số này ước đạt khoảng 220 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.

 ĐÌNH THẮNG